Phú Thọ: vận hành thông suốt hệ thống chính quyền 2 cấp ngay từ những ngày đầu triển khai
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường rà soát, hoàn thiện hạ tầng, quy trình và nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động ổn định, thông suốt ngay từ những ngày đầu triển khai.
Chủ động từ hạ tầng đến vận hành
Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ vừa có báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) sau khi chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025.

148/148 xã, phường tại tỉnh Phú Thọ đã bố trí đầy đủ cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, kịp thời giải quyết nhu cầu của người dân sau sáp nhập. Ảnh: Sỹ Hào
Theo đó, để bảo đảm hệ thống thông tin giải quyết TTHC theo mô hình mới được vận hành ổn định ngay từ ngày đầu tiên hợp nhất 3 tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đánh giá mức độ sẵn sàng, khả năng kết nối liên thông và vận hành của các hệ thống thông tin dùng chung như: hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Việc vận hành thử nghiệm hệ thống được tổ chức vào sáng 29/6 nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc kỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Đến nay, các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình (cũ) vẫn tiếp tục hoạt động ổn định, giữ nguyên địa điểm để phục vụ người dân theo khu vực.
Tại cấp xã, 148/148 xã đã bố trí đầy đủ cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công; nhiều địa phương còn linh hoạt điều động công chức từ các phòng chuyên môn trực tiếp tham gia tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ cho người dân, bảo đảm công tác giải quyết TTHC được duy trì liên tục.
Hạ tầng kỹ thuật và số hóa được chú trọng
Về hạ tầng kỹ thuật, Tập đoàn VNPT đã hoàn tất cấu hình hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh mới và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1/7. Các chức năng được thiết kế phù hợp, thuận tiện cho cả người dân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến cũng như cán bộ, công chức xử lý hồ sơ.
Song song với đó, hệ thống cũ của Phú Thọ và Vĩnh Phúc vẫn được duy trì để hỗ trợ xử lý các hồ sơ chuyển tiếp. Đường truyền Internet tại các đơn vị được VNPT và Viettel nâng cấp, cơ bản bảo đảm kết nối ổn định, liên thông toàn hệ thống.
Sau sáp nhập, tổng số TTHC trên địa bàn tỉnh là 2.217 thủ tục, tăng gần 20% so với trước khi sáp nhập (1.879 thủ tục), trong đó có 1.812 thủ tục cấp tỉnh và 405 thủ tục cấp xã. Để tạo thuận lợi trong phân cấp, phân quyền, tỉnh đã ban hành 36 quyết định công bố danh mục TTHC theo 28 nghị định của Chính phủ, trong đó 1.490 thủ tục đã được áp dụng thực tế.

Việc công bố danh mục các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được thực hiện đúng quy định. Ảnh: Sỹ Hào.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn nhất định. Một số xã vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu điều kiện về cơ sở vật chất; một số trang thiết bị chưa bảo đảm chất lượng; trình độ công nghệ thông tin của công chức cấp xã còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành hệ thống mới.
Đẩy mạnh khoa học - công nghệ, khắc phục những “điểm nghẽn”
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ cho biết, việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều chuyển biến rõ nét.
Đến nay, Nghị quyết đã được phổ biến sâu rộng và cụ thể hóa thành chương trình hành động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao sức cạnh tranh và năng lực hội nhập của tỉnh.
Nghị quyết cũng nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, bảo đảm hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động ổn định, thông suốt ngay từ những ngày đầu. Ảnh: Cổng TTĐT Phú Thọ.
Trước yêu cầu thực tế sau sáp nhập về bảo đảm vận hành hệ thống giải quyết TTHC không gián đoạn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã giao các Phó Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ lĩnh vực phụ trách, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm công tác lãnh đạo, điều hành của UBND tỉnh thông suốt, hiệu quả.
Đồng thời, giao Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện toàn diện từ hạ tầng, quy trình đến nhân lực, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Sở Khoa học và Công nghệ được giao tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu, chủ trì triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết 57-NQ/TW, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.