Phủ xanh đồi rừng ở Quang Bình

BHG - Con số 69,5% là tỷ lệ che phủ rừng của huyện Quang Bình hiện nay, cao hơn 10% so với bình quân chung toàn tỉnh. Phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng của Quang Bình đạt 70%, hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Quang Bình Linh Văn Huấn cho biết: Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng (BV, PTR), những năm qua cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, các lực lượng chức năng luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực; nhận thức về bảo vệ rừng (BVR) của các tầng lớp nhân dân được nâng lên, người dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc, BVR; tài nguyên rừng và đất rừng được sử dụng ngày càng bền vững, giá trị thu nhập trong lĩnh vực lâm nghiệp nâng cao, từng bước góp phần ổn định đời sống kinh tế của nhân dân, nhiều hộ gia đình thoát nghèo từ công tác trồng và kinh doanh rừng.

Tuần tra, bảo vệ rừng đầu nguồn thị trấn Yên Bình.

Tuần tra, bảo vệ rừng đầu nguồn thị trấn Yên Bình.

Quang Bình hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp theo quy hoạch 3 loại rừng trên 61.639 ha. Trong đó, diện tích có rừng trên 55.194 ha, diện tích chưa thành rừng trên gần 7.400 ha. Ngoài ra, còn trên 883 ha rừng nhưng không thuộc lâm nghiệp (ngoài 3 loại rừng), trong đó gần 842 ha có rừng và trên 41 ha chưa thành rừng. Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ BV, PTR được triển khai đồng bộ, xuyên suốt, từ năm 2020 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện Quang Bình đã ban hành 2 nghị quyết, 2 chương trình, 4 chỉ thị, 18 quyết định, 21 kế hoạch, 2 phương án, 21 công văn và 2 thông báo giao nhiệm vụ.

Với trên 42.388 ha rừng tự nhiên, trong đó trên 18.266 ha rừng phòng hộ đầu nguồn và trên 47.528 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Vì vậy, công tác BVR được huyện Quang Bình đặc biệt quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện tổ chức tuyên truyền được 344 buổi/23.246 lượt người tham gia; tập huấn 4 lớp nghiệp vụ BVR, phòng cháy chữa cháy rừng cho 340 lượt người; phối hợp với Quỹ BV, PTR tỉnh tổ chức hội thi tuyên truyền ‘‘Sân khấu hóa’’ BVR và chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Luật Lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm... Rà soát, xác định, khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm, tăng cường công tác tuần tra, canh gác, tổ chức đồng loạt ra quân mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét. Không để tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng. Xây dựng các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong BVR, chữa cháy rừng.

Người dân thôn Yên Lập, xã Yên Thành chăm sóc rừng quế.

Người dân thôn Yên Lập, xã Yên Thành chăm sóc rừng quế.

Từ sự vào cuộc quyết liệt, giai đoạn 2021 – 2024, huyện Quang Bình chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng; phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý 53 vụ vi phạm lâm luật, thu nộp cho ngân sách Nhà nước được 464 triệu đồng. Nhờ làm tốt công tác BVR, trong 4 năm, huyện Quang Bình được chi trả trên 26,4 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nguồn kinh phí này tạo thêm động lực cho người dân chăm sóc, BVR, đồng thời giúp cộng đồng dân cư đầu tư nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng Nông thôn mới.

Có tiềm năng về phát triển kinh tế lâm nghiệp với gần 42.500 ha đất lâm nghiệp được quy hoạch rừng sản xuất, trong đó có trên 10.600 ha rừng trồng đã thành rừng, trên 908 ha rừng trồng chưa thành rừng. Giai đoạn 2021 – 2024, toàn huyện Quang Bình trồng mới rừng tập trung được trên 5.341 ha, đạt 121,47 % so chỉ tiêu kế hoạch; trồng cây phân tán được 337,4 nghìn cây đạt 145,1% kế hoạch, tương đương trên 340 ha. Rừng trồng đã đem lại thu nhập ổn định cho người trồng rừng. Riêng năm 2024 khai thác gần 3.000m3 gỗ; năng suất, chất lượng rừng trồng bình quân đạt từ 45 - 65 m3/ha, rừng trồng trên 10 năm tuổi trở lên chăm sóc tốt có thể đạt năng suất trên 70m3/ha. Giá trị khai thác lâm sản năm 2024 ước đạt 3,5 tỷ đồng.

Là hộ phát triển kinh tế từ trồng rừng, chú Vương Văn Minh, xóm 1, tổ 5, thị trấn Yên Bình chia sẻ: Trong xóm có khoảng 60 hộ thì 80% là phát triển kinh tế từ trồng rừng. Hộ ít nhất cũng có 1 ha. Gia đình tôi hiện có 7 ha, trong đó 3 ha đã trồng được 8 - 9 năm, đạt chu kỳ khai thác; 4 ha còn lại đã khai thác năm 2023 thu được hơn 200 triệu đồng và mới trồng lại hơn 1 năm nay. Với giá bán bình quân khoảng từ 1,1 triệu đồng/m3 hoặc 900 nghìn đồng/tấn gỗ băm, người trồng rừng có thể thu từ 50 – 60 triệu đồng/ha, trừ đi chi phí giống và phân bón thì có thể có thu nhập khoảng 35 – 40 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình.

Những cánh rừng đang ngày càng thêm xanh ở Quang Bình không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai mà còn tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Kinh tế rừng đã trở thành một trong những thành phần kinh tế chủ lực ở Quang Bình.

Bài, ảnh: Duy Tuấn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202504/phu-xanh-doi-rung-o-quang-binh-c4a509f/