Phú Xuyên nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm

Năm 2023, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trở thành chương trình phát triển kinh tế 'trọng tâm' của huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Theo đó, ngay từ đầu năm, huyện đã ban hành kế hoạch cụ thể với mục tiêu, lộ trình rõ ràng: có 45 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tập trung vào các sản phẩm chế biến, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề nổi bật của các xã, thị trấn; xây dựng thêm 1 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP để quảng bá sản phẩm chủ lực của huyện.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh làng nghề

Nhắc đến Phú Xuyên là nhắc đến “mảnh đất trăm nghề” với rất nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng đang phát triển mạnh mẽ. Điển hình như làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ đã có gần 1000 năm; làng nghề cỏ tế xã Phú Túc có lịch sử trên 300 năm; làng nghề may Comple xã Vân Từ; làng nghề giày da xã Phú Yên cũng đã có trên 100 năm; làng nghề nặn tò he ở thôn Xuân La xã Phượng Dực nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam đã có trên 300 năm... Đáng chú ý, bên cạnh những nghề truyền thống hàng trăm năm lịch sử, huyện Phú Xuyên còn phát triển nhiều nghề mới với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, có chỗ đứng tại thị trường trong nước. Một số sản phẩm như: sơn mài, mây giang đan… được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Huyện Phú Xuyên đang phát huy tiềm năng, thế mạnh làng nghề để xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Phú Xuyên đang phát huy tiềm năng, thế mạnh làng nghề để xây dựng sản phẩm OCOP

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Phú Xuyên đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm phát huy tốt tiềm năng, lợi thế các làng nghề để triển khai thực hiện Chương trình OCOP và coi đây là nhiệm vụ then chốt trong phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, huyện quan tâm, khuyến khích các làng nghề tiếp tục cải tiến và hiện đại hóa công nghệ, quy trình và nguyên vật liệu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, coi trọng đào tạo, công nhận, tập hợp, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi có tay nghề cao. Phú Xuyên cũng đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao năng lực quản trị cho chủ cơ sở sản xuất làng nghề; nâng cao thương hiệu làng nghề, chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa làng nghề.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình OCOP, huyện Phú Xuyên đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh tham gia xây dựng sản phẩm OCOP; nhờ đó, nhiều chủ thể từ các làng nghề đã đăng ký tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, lũy kế từ năm 2019 đến hết năm 2022, huyện đã có hơn 170 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Các sản phẩm đều phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương. Trong đó, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được đánh giá rất cao và tiêu thụ thuận lợi hơn. Hiện nay, các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đều tích cực tham gia các hoạt động trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại tổ chức tại thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành cả nước.

Thêm nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng

Vừa qua, huyện Phú Xuyên đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Tham gia đánh giá phân hạng có 45 sản phẩm mới của 13 chủ thể của các xã, thị trấn như: thị trấn Phú Xuyên, thị trấn Phú Minh, Vân Từ, Chuyên Mỹ, Tân Dân, Sơn Hà, Hoàng Long, Hồng Thái và 9 sản phẩm của 2 chủ thể tham gia đánh giá lại của cơ sở sản xuất Chiến Tấn, và công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh thực phẩm Vinh Hà. Các sản phẩm như: may comple Vân Từ, tò he Xuân La, khảm trai Chuyên Mỹ, kẹo lạc Cổ Hoàng… đều là những sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Phú Xuyên được lựa chọn, đầu tư nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm để tham dự Chương trình OCOP năm 2023. Đây cũng là các sản phẩm mà Phú Xuyên có thế mạnh về vùng nguyên liệu và tay nghề của lao động địa phương.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Lê Tiến Xuân cho biết, sang năm 2023, Trung ương, TP. Hà Nội đã có những hướng dẫn lại về chấm, đánh giá sản phẩm OCOP cụ thể, kỹ càng hơn. Từ đó, các địa phương nhận thấy bộ tiêu chí phù hợp hơn, đánh giá đúng năng lực của người sản xuất, giá trị của các sản phẩm tham gia; ông Xuân cũng chia sẻ: các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều chủ thể sản xuất khi tham gia vào chương trình đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất, từ đó phát triển cơ sở quy mô, hiện đại với những sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng. Nhờ vậy, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, không ít trường hợp trước đây chỉ sản xuất, tiêu thụ ở quy mô nhỏ, nhờ được gắn “sao” OCOP đã mở rộng sản xuất, thị trường, thậm chí vươn tầm quốc tế.

Theo đánh giá của một số chủ thể OCOP huyện Phú Xuyên, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương. Chất lượng về hồ sơ minh chứng cơ bản được hoàn thiện rõ ràng, đánh giá được tình hình tổ chức, hoạt động sản xuất chế biến sản phẩm của các chủ thể tham gia chương trình, từ đó nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Với 5 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng năm 2023, ông Đinh Văn Quỳnh (làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ) chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi vẫn sản xuất và bán sản phẩm một cách bình thường, chưa quan tâm nhiều đến các minh chứng cho sản phẩm, nên giá trị của mặt hàng chưa như mong muốn. Nay, sản phẩm được hỗ trợ hồ sơ minh chứng hoàn thiện, đánh giá được tình hình tổ chức, hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm, có tên thương hiệu, mẫu mã, bao bì đẹp, thông tin ghi trên bao bì rõ ràng… Từ đây, chúng tôi sẽ sản xuất bài bản hơn và tự tin khi đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường”.

Kết quả đánh giá, phân hạng vừa qua của huyện Phú Xuyên cho thấy, 45 sản phẩm được đưa ra chấm điểm đều đáp ứng yêu cầu. Như vậy, thời điểm hiện tại, huyện Phú Xuyên đã cơ bản hoàn thành mục tiêu có 45 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tập trung vào các sản phẩm chế biến, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề nổi bật của các xã, thị trấn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề

Với định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Xuyên khóa XXV đã ban hành Chương trình số 02 - về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. UBND huyện Phú Xuyên cũng đã ban hành Đề án “Phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của huyện Phú Xuyên giai đoạn 2021 - 2025”... Việc hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, thúc đẩy phát triển du lịch và tập trung thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần đưa những làng nghề và sản phẩm của làng nghề vươn xa hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Vĩnh, trên cơ sở những nghề có lịch sử lâu đời, có thế mạnh trên thị trường, huyện đã lựa chọn được 6 nhóm nghề ở 7 xã để phát triển thành sản phẩm chủ lực, có thương hiệu đến năm 2025, như: nặn tò he (xã Phượng Dực); khảm trai sơn mài (xã Chuyên Mỹ); giày da (xã Phú Yên); may comple (xã Vân Từ); đan cỏ tế (xã Phú Túc); mộc (xã Tân Dân, xã Nam Tiến). Thời gian tới, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; tiếp tục phát triển sản phẩm và địa điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP ở 7 xã nói trên. Đồng thời, đẩy nhanh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể; triển khai bảo tồn, đào tạo, công nhận làng nghề và nghệ nhân; phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ vốn, mặt bằng sản xuất.

UBND huyện Phú Xuyên cũng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua công tác phối hợp tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm gắn với văn hóa vùng, miền, hội chợ do thành phố tổ chức. Công bố các quyết định công nhận sản phẩm kết hợp trưng bày, kết nối giao thương sản phẩm OCOP, nhằm hỗ trợ chủ thể giới thiệu, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, giúp các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm với các kênh phân phối truyền thống, sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, thành lập đoàn liên ngành thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận tuân thủ các quy định chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, sử dụng bao bì, tem, nhãn hàng hóa, bảo vệ môi trường và các quy định khác của Nhà nước liên quan.

Mỹ Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/phu-xuyen-nang-cao-so-luong-chat-luong-san-pham-i344612/