Phú Yên giảm 2/3 tàu cá đánh bắt xa bờ

Áp dụng theo Luật Thủy sản 2017, tàu đánh bắt xa bờ dài trên 15m thì Phú Yên có đến 2/3 số tàu cá dưới 15m không được đánh bắt xa bờ hoặc cải hoán tàu.

Luật thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Theo quy định, tàu đánh bắt xa bờ được tính theo chiều dài chứ không căn cứ vào công suất như trước. Đây là một trở ngại đối với nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài dưới 15m. Các chủ tàu cá nếu muốn tiếp tục hành nghề buộc phải cải hoán hoặc chuyển đổi nghề.

9h sáng, tại cảng cá Đông Tác thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, các tàu câu cá ngừ đại dương tấp nập cập cảng. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, khi được hỏi về hiệu quả chuyến biển, nhiều chủ tàu tỏ ra lo lắng. Ngư dân Tạ Hữu Phong, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá PY 90847, công suất 400 cv, chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương cho biết, do không nắm bắt quy định mới nên năm ngoái ông mua tàu cá dưới 15m giờ chưa biết tính thế nào.

“Năm vừa rồi tôi mua tàu không biết quy định tàu 15m có chính sách hỗ trợ Nhà nước, đã không hưởng được chính sách mà phải chấp hành theo quy định mới tàu phải dài 15m trở lên, tàu cũ không dùng được” - ông Phong nói.

Đang mùa khai thác, tàu cập cảng mang theo nhiều cá.

Đang mùa khai thác, tàu cập cảng mang theo nhiều cá.

Anh Trần Minh Công, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá PY 96185 ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cũng đứng ngồi không yên. Tàu của anh có công suất 400 cv nhưng chỉ dài 14,6m. Nhiều năm qua, tàu cá này chỉ đánh bắt xa bờ, chuyên câu cá ngừ đại dương. Bây giờ, nếu không được đánh bắt xa bờ thì không biết làm gì. Tàu này nếu đánh vùng lộng thì sản lượng không đủ bù chi phí.

Phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh Phú Yên. Phường Phú Đông hiện có 238 tàu cá, công suất trên 90 cv chuyên đánh bắt xa bờ. Nếu áp dụng theo Luật Thủy sản 2017, tàu đánh bắt xa bờ phải dài trên 15m thì phường này có đến 2/3 số tàu cá dưới 15m (145 chiếc) không được đánh bắt xa bờ, phải chuyển đổi sang nghề khác hoặc cải hoán tàu cá.

“Ngư trường của phường Phú Đông là đánh bắt xa bờ là chính, nói chung là đánh bắt cá ngừ đại dương. Nếu chuyển đổi phải có hướng dẫn cho ngư dân để chuyển đổi về ngành gì cho phù hợp. Nếu chuyển đổi thì phải có hỗ trợ vấn đề nào đó. Bây giờ có những tàu người ta đã rao bán rồi, người ta chuyển để đóng tàu to, nhưng đó là người có điều kiện thôi” - ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND Phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, cho hay.

Tàu cá tấp nập vào cảng bán cá ngừ đại dương.

Tàu cá tấp nập vào cảng bán cá ngừ đại dương.

Trước đây, tỉnh Phú Yên có 1.100 tàu cá từ 90 cv trở lên được khai thác ở vùng khơi. Theo quy định của Luật thủy sản 2017, Phú Yên chỉ còn 451 tàu đủ điều kiện, tức là gần 2/3 số tàu cá không được đánh bắt xa bờ. Số tàu cá này muốn tiếp tục vươn khơi xa buộc phải cải hoán hoặc chuyển đổi sang nghề khác. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho rằng, việc chuyển đổi đánh bắt từ vùng này sang vùng khác không phải dễ dàng.

“Những tàu đó xưa giờ có kinh nghiệm khai thác vùng khơi và sống nhờ vùng khơi. Bây giờ vào vùng lộng thì biết khai thác gì? Nếu như họ không được phép khai thác vùng khơi họ chỉ khai thác vùng lộng đây thì cũng ảnh hưởng, vì vùng lộng đây có một số nghề không còn hiệu quả. Cho nên sẽ khó khăn trước mắt, tạm thời cho chủ những tàu đó. Chắc chắn sắp tới họ sẽ cải hoán” - ông Nguyễn Tri Phương nói.

Luật Thủy sản 2017 có nhiều quy định mới theo hướng hội nhập, vì một nghề cá có trách nhiệm. Luật này bắt đầu đi vào cuộc sống từ đầu năm nay ngư dân có thể sẽ gặp khó khăn. Nhưng về lâu dài, cách làm này sẽ giúp nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phu-yen-giam-23-tau-ca-danh-bat-xa-bo-925976.vov