Phúc Thọ phát triển sản phẩm OCOP từ lợi thế

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố, trong những năm qua, huyện Phúc Thọ đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đặc trưng thành sản phẩm OCOP.

Đến nay, huyện có 67 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và chứng nhận. Năm 2024, Phúc Thọ tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm dự thi, phấn đấu có thêm 10-12 sản phẩm OCOP được đánh giá và phân hạng.

Mô hình trồng chuối theo quy trình VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Phọ) cho giá trị kinh tế cao.

Mô hình trồng chuối theo quy trình VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Phọ) cho giá trị kinh tế cao.

Hiệu quả từ thực hiện chương trình

Xã Vân Nam thuộc vùng đất bãi ven sông Hồng, người dân có truyền thống trồng chuối. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam Doãn Văn Thắng cho biết, cả xã có hơn 120ha chuối, sản phẩm được trồng theo quy trình VietGAP. Năm 2020, sản phẩm của hợp tác xã đã tham gia Chương trình OCOP và được phân hạng 3 sao. Sau khi được công nhận, hợp tác xã liên tục cải tiến quy trình sản xuất nên chuối đạt chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Khi cây chuẩn bị ra hoa, người dân dùng phân chuồng ủ mục bón gốc để bổ sung dinh dưỡng, giúp quả to và đều. Khi buồng chuối được 20 ngày, nông dân dùng ni lông bọc buồng để che sương, tránh gió làm thâm quả và hạn chế côn trùng. Chuối già được thu hoạch và làm chín bằng công nghệ giấm lạnh nên mẫu mã đẹp và an toàn cho người tiêu dùng… Cuối năm 2023, sau khi được đánh giá, phân hạng lại, sản phẩm chuối Vân Nam đạt OCOP 4 sao.

Không chỉ với chuối Vân Nam, làng Triệu Xuyên (xã Long Xuyên) có nghề mộc được hình thành từ những năm 1990. Làng hiện có hơn 200 hộ sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/ tháng. Tổng giá trị sản xuất, kinh doanh của nghề mộc đạt gần 633 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 84% tổng giá trị sản xuất, kinh doanh của làng.

Năm 2023, hộ kinh doanh của anh Trần Tuấn Anh đã tham gia Chương trình OCOP và có sản phẩm bàn giám đốc chữ L và tủ tài liệu văn phòng được đánh giá, công nhận. Anh Trần Tuấn Anh chia sẻ, khi có thương hiệu và được công nhận OCOP, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, góp phần nâng cao đời sống gia đình.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Vũ Thị Huệ thông tin, khi chưa thực hiện Chương trình OCOP, đa số sản phẩm nông sản của huyện được người dân sản xuất quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún, việc tiêu thụ chủ yếu qua thương lái. Từ khi triển khai Chương trình OCOP, nông sản của Phúc Thọ được chú trọng về khâu bao bì, thương hiệu, nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, nhiều chủ thể mạnh dạn áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của huyện được chứng nhận đạt chuẩn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, như bưởi Phúc Thọ, hành hoa Võng Xuyên, thịt lợn sinh học Thọ Lộc, rau an toàn Thanh Đa, chuối Vân Nam...

Tiếp tục khai thác lợi thế địa phương

Theo Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, huyện hiện có 9 làng nghề được thành phố công nhận. Tiêu biểu trong số đó là các làng nghề: May Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp) và may làng Táo (xã Tam Thuấn); mộc thôn Phú An (xã Thanh Đa) và mộc thôn Triệu Xuyên (xã Long Xuyên); hoa và cây cảnh xã Tích Giang; chế biến nông sản Linh Chiểu (xã Sen Phương)…

Trong những năm gần đây, huyện Phúc Thọ đã phát triển thêm được một số làng nghề mới, như: Nghề chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại các xã Hát Môn, Liên Hiệp, Hiệp Thuận; sản xuất con giống bằng thạch cao ở Đường Hồng (xã Thanh Đa); sản xuất tương ở xã Thượng Cốc… Hơn 2.500 cơ sở và hộ sản xuất tại các làng nghề, làng có nghề đã giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đối với nông nghiệp, Phúc Thọ tiếp tục định hướng các vùng sản xuất cây, con chủ lực cho từng địa phương. Huyện duy trì diện tích trồng cây ăn quả, cải tạo vườn bưởi kém chất lượng; mở rộng thêm 1,5ha sản xuất rau an toàn hữu cơ, 8ha bưởi VietGAP, khắc phục được 6,3ha đất bỏ hoang và đang khôi phục sản xuất rau muống Tiến Vua tại xã Sen Phương… Đến nay, huyện có 1.330ha cây ăn quả; mỗi vụ có 615ha rau, trong đó có 320ha rau an toàn; 556ha hoa, cây cảnh… Những sản phẩm làng nghề và nông nghiệp phong phú, đa dạng góp phần giúp huyện tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP.

Về thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, năm 2024, huyện phấn đấu có thêm 10-12 sản phẩm OCOP được đánh giá và phân hạng. Huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất, rà soát các nhóm sản phẩm có tiềm năng để hỗ trợ phát triển, hoàn thiện. Huyện cũng xây dựng các đề án thành phần, nhằm phát triển 4 sản phẩm chính là hoa và cây cảnh, bưởi, chuối, thịt lợn sinh học VietGAP.

Đồng thời, Phúc Thọ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tăng cường kết nối giao thương, hỗ trợ các chủ thể tiêu thụ sản phẩm thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại... Huyện cũng duy trì 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phuc-tho-phat-trien-san-pham-ocop-tu-loi-the-672472.html