Phương cách gắn kết đắc dụng

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabovo Subianto công bố việc hai nước này sắp ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng có giá trị pháp lý như một hiệp định hợp tác song phương.

Chỉ mấy tháng nữa, ông P.Subianto sẽ nhậm chức Tổng thống Indonesia, kế nhiệm Tổng thống hiện tại Joko Widodo. Thỏa thuận này vẫn chưa được ký kết chính thức nhưng ông A.Albanese và ông P.Subianto đã không tiếc lời ca ngợi và đề cao nó, coi đó là một trong những thỏa thuận quan trọng mà hai nước từng đàm phán và ký kết với nhau.

Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương này đương nhiên không thể thiếu việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, trao đổi và tham vấn lẫn nhau về các vấn đề chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng của quốc gia, khu vực và thế giới như các thỏa thuận song phương cũng như đa phương giữa các quốc gia trên thế giới về hợp tác chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng. Nhưng nó đặc biệt ở chỗ bao hàm cả việc bên này cho phép quân đội của bên kia hiện diện trực tiếp trên lãnh thổ và trong lãnh hải của mình.

Đối với mối quan hệ giữa Australia và Indonesia, thỏa thuận hợp tác này càng được chú ý bởi mối quan hệ song phương ấy xưa nay vốn rất trắc trở và rất nhạy cảm với gốc rễ từ vấn đề vùng Đông Timor và vấn đề người tị nạn, di cư sử dụng tuyến đường biển giữa Australia và Indonesia để tìm cách nhập cảnh trái phép vào Australia.

Thỏa thuận hợp tác này giúp Australia tiến thêm bước rất quan trọng trong chủ định của mình gây dựng mạng lưới các mối quan hệ hợp tác chính trị quân sự, quốc phòng và an ninh với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bổ sung và làm chân rết cho Hiệp ước an ninh ba bên với Mỹ và Anh (AUKUS) và cho hợp tác trong cơ chế Bộ Tứ (với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cho đến nay, Australia đã có sự hợp tác và thỏa thuận như thế này với Philippines ở khu vực Đông Nam Á và giờ có thêm cửa ngõ thứ hai để tiếp cận khu vực Đông Nam Á cũng như có nền tảng và khuôn khổ pháp lý để gây dựng vai trò chính trị an ninh ở khu vực Biển Đông.

Về phần mình, Indonesia ý thức được rằng tăng cường hợp tác với Australia sẽ giúp Indonesia có được một tiền đồn để gây dựng vai trò và ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng và quân sự là phương cách rất đắc dụng gắn kết hai nước. Giữa hai quốc gia này có đường biên giới chung trên biển dài nhất thế giới. Chỉ riêng điều này thôi cũng đã đủ để buộc cả hai nước phải có cách tiếp cận rất thực tế trong xử lý quan hệ hợp tác song phương, tức là nhận thức rằng chỉ hợp tác với nhau thì mới có thể giải quyết được ổn thỏa mọi vấn đề có liên quan đến đường biên giới chung trên biển này.

Ông A.Albanese đặt nền móng cho kiến tạo mối quan hệ hợp tác giữa Australia và Indonesia ở thời ông P.Subianto làm Tổng thống Indonesia. Ngoài ra cũng còn có thể thấy được hai điều khác nữa rất quan trọng đối với tương lai của mối quan hệ song phương này.

Thứ nhất, Australia và Indonesia đã chính thức khép lại quá khứ đầy bất hòa giữa hai bên liên quan đến vấn đề vùng Đông Timor và vấn đề người tị nạn, di cư. Thứ hai, ông P.Subianto khi lên cầm quyền ở Indonesia sẽ coi trọng, chủ động và tăng cường chính sách đối ngoại hơn hẳn người tiền nhiệm và sẽ dành cho Australia ưu tiên chính sách rất đặc biệt.

Sau khi trúng cử Tổng thống Indonesia, ông P.Subianto công du Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng thỏa thuận quan trọng đầu tiên mang dấu ấn cá nhân thì lại tiến hành với Australia.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phuong-cach-gan-ket-dac-dung-675604.html