Mỹ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Đức, hôm 26/2 thông báo đồng ý loại bỏ những ngân hàng Nga cụ thể ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Bộ trưởng tài chính Pháp trước đó gọi loại bỏ SWIFT là "vũ khí hạt nhân tài chính". Động thái trên sẽ gây ra thiệt hại cho Nga và các đối tác thương mại của nước này, theo Reuters.
Những ngân hàng Nga chịu ảnh hưởng từ biện pháp mới là các đơn vị "đã bị cộng đồng quốc tế cũng như các tổ chức khác trừng phạt. Điều này nhằm cắt đứt các tổ chức nói trên khỏi dòng tài chính quốc tế và sẽ hạn chế hàng loạt hoạt động toàn cầu của họ", một phát ngôn viên chính phủ Đức ngày 26/2 cho biết.
Trong tuyên bố chung, Nhà Trắng nói rằng nhóm các cường quốc thế giới "quyết tâm tiếp tục buộc Nga phải trả giá và bị cô lập hơn nữa với hệ thống tài chính toàn cầu cũng như các nền kinh tế của chúng tôi".
Các ngân hàng Mỹ sẽ không liên hệ với ngân hàng đối tác - công ty cho vay lớn nhất của Nga, Sberbank - trong vòng 30 ngày. Trước đó, các ngân hàng có thể thực hiện thanh toán qua lại và chuyển tiền trên toàn cầu.
Các quan chức ở Washington cũng sử dụng công cụ trừng phạt mạnh mẽ nhất khi thêm VTB, Otkritie, Novikombank và Sovcombank vào danh sách Công dân được chỉ định đặc biệt (SDN).
Động thái này sẽ đẩy các ngân hàng ra khỏi hệ thống tài chính của Mỹ, cấm giao dịch với người Mỹ và đóng băng tài sản tại Mỹ.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng nhằm vào hai ngân hàng quốc doanh của Belarus - Belinvestbank và Bank Dabrabyt - với cáo buộc nước này hỗ trợ Moscow tấn công Kiev.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được đưa ra ngay sau khi chính phủ Anh cho biết họ sẽ áp đặt lệnh đóng băng tài sản đối với tất cả ngân hàng lớn của Nga, bao gồm cả VTB và ngăn các công ty lớn của Nga huy động vốn ở Anh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý các biện pháp trừng phạt nhằm vào 70% thị trường ngân hàng Nga.
Khối đã áp đặt lệnh cấm phát hành trái phiếu, cổ phiếu hoặc khoản vay ở EU để tái cấp vốn cho ngân hàng Alfa và ngân hàng Otkritie, sau khi đóng băng tài sản ngân hàng Rossiya, Promsvyazbank và VEB hồi đầu tuần.
Khối cũng đặt ra mức giới hạn 112.700 USD đối với tài khoản ngân hàng EU của công dân Nga, những người không được phép mua cổ phiếu mệnh giá bằng euro.
Nga chưa bình luận về thông tin trên. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine".
SWIFT được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật.
Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới.
Loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT được coi là lựa chọn trừng phạt rất mạnh, khiến các tổ chức này về cơ bản không thể tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu.
Các ngân hàng lớn của Nga có ảnh hưởng sâu rộng với hệ thống tài chính toàn cầu, có nghĩa là bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với các tổ chức lớn nhất của Nga đều có sức ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới.
Việc loại bỏ ngân hàng Nga khỏi SWIFT sẽ làm cho các giao dịch khó khăn và tốn kém hơn. Tuy nhiên, lệnh này cũng sẽ làm tổn thương tới các đối tác thương mại của Nga ở châu Âu và các nơi khác.
Lệnh cấm sẽ đi kèm với các lệnh trừng phạt khác, hạn chế khả năng kinh doanh quốc tế một số ngân hàng lớn nhất của Nga.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt hôm 25/2 sẽ làm gián đoạn giao dịch ngoại hối hàng ngày trị giá hàng tỷ USD của những tổ chức tài chính Nga.
Nhìn chung, các tổ chức này thực hiện khoảng 46 tỷ USD các giao dịch ngoại hối, 80% trong số đó là bằng đồng USD. Phần lớn các giao dịch đó giờ sẽ bị gián đoạn.
Các biện pháp trừng phạt nhắm vào gần 80% tổng số tài sản ngân hàng Nga. Ngân hàng và chủ nợ phương Tây lo lắng về việc Nga bị loại bỏ khỏi SWIFT - hệ thống được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia.
Động thái này tuy ảnh hưởng nặng nề đến các ngân hàng Nga, nhưng hậu quả phức tạp. Các quan chức phương Tây cho rằng về mặt kỹ thuật, ngăn chặn Nga rất khó và sẽ làm tổn hại tới các đối tác thương mại.
Các nhà phân tích cho biết thể chế của Nga có khả năng đối phó với các lệnh trừng phạt tốt hơn 8 năm trước, mặc dù điều đó không có nghĩa là họ sẽ không bị tổn thương.
Mỹ và châu Âu từng bất đồng về phương án loại một quốc gia khỏi SWIFT, gần đây nhất là vào năm 2018, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn cắt quyền tiếp cận hệ thống của Iran.
Cuối cùng, SWIFT đã cắt quan hệ với các ngân hàng Iran vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt chống lại nước này.
Giới chuyên gia cho rằng SWIFT đang bị đánh giá quá cao, có nguy cơ phản tác dụng khi nó buộc Nga phải dồn lực tìm ra những cách thay thế để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, như củng cố hơn nữa mối quan hệ với Trung Quốc hay phát triển một loại tiền kỹ thuật số riêng.
Việt Hùng