Phương Tây có thể sẽ phải nhượng bộ Nga trước mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng lương thực. Chuyên gia Jacob Paul - một nhà phân tích của tờ Daily Express đã viết về điều này.
Như tác giả nhớ lại, lệnh cấm vận của EU đối với nguồn cung dầu của Nga sẽ sớm có hiệu lực. Ngoài ra, các nước G7 cũng đang xem xét khả năng hạn chế giá vàng đen từ Nga. Đáp lại, Moskva cảnh báo rằng họ sẽ không bán nhiên liệu với giá phi thị trường.
Rõ ràng, những bước đi không khoan nhượng như vậy từ hai bên có thể sẽ dẫn đến giá năng lượng cao hơn. Tuy nhiên nhìn rộng ra, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường thực phẩm toàn cầu.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (ISB) đã cảnh báo phương Tây rằng việc cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga sẽ dẫn tới việc buộc phải sử dụng nhiều ngũ cốc hơn để làm nhiên liệu sinh học. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ thiếu lương thực.
Theo nhà phân tích của tạp chí Daily Express, thông tin này có thể buộc các nhà chức trách EU phải nhượng bộ Nga, bởi vì khủng hoảng lương thực sẽ kéo theo khủng hoảng năng lượng.
Bài phân tích trên tờ Daily Express nói rõ: “Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thời điểm này có lẽ đang vui mừng xoa tay vì phương Tây đã được cảnh báo rằng việc cắt giảm dầu có thể gây ra khủng hoảng lương thực".
Nhà báo Jacob Paul viết: Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Liên bang Nga có nguy cơ dẫn đến việc giá nhiên liệu tăng mạnh hơn nữa, và có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với phương Tây".
“Tổng thống Vladimir Putin có thể đã thở phào nhẹ nhõm sau khi các nhà lãnh đạo thế giới từng hy vọng cắt giảm nguồn cung dầu của Nga đã được cảnh báo rằng điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”.
EU đang cố gắng chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học do nguồn cung dầu từ Liên bang Nga giảm. Điều này chỉ ra rằng một phần đáng kể cây lương thực sẽ không được ăn. Theo Giáo sư Matin Caim của Đại học Bon, ngày nay Đức sử dụng 10% ngũ cốc làm nguyên liệu thô.
Hội đồng vận động hành lang nhiên liệu sinh học và Hội đồng diesel sinh học châu Âu cho rằng, dầu của Nga có thể được thay thế bằng nhiên liệu sinh học làm từ chất thải, cũng như các loại cây trồng như lúa mì, ngô, lúa mạch, hướng dương, hạt cải dầu và các loại dầu thực vật khác.
Đánh giá theo cảnh báo của ISB, kế hoạch này đã rạn nứt. Theo tờ Daily Express, các nhà hoạt động môi trường kêu gọi chính quyền ngừng thay thế dầu mỏ của Nga bằng nhiên liệu sinh học và từ chối sử dụng cây trồng để sản xuất do lo ngại sẽ có nhiều người chết đói.
Mặc dù vậy, những áp lực nói trên vẫn bị xem là chưa đủ, khi nhiều chính trị gia Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn kêu gọi xiết chặt các biện pháp cấm vận đối với mặt hàng nhiên liệu xuất khẩu của Nga.
Cụ thể, Phương Tây vẫn theo đuổi chính sách áp đặt giá trần trước hết đối với dầu mỏ của Nga, và tiếp sau đó sẽ là khí đốt, bất chấp mọi cảnh báo mà Moskva đưa ra.
Không chỉ dừng lại ở vận động, Mỹ còn đang chuẩn bị sẵn sàng cho một lệnh trừng phạt đánh vào quốc gia nào không tuân thủ biện pháp hạn chế mà họ đưa ra, đây sẽ là cú ra đòn mạnh nhất mà Washington có thể giáng vào Moskva trên mặt trận kinh tế.
Bạch Dương