Pin thải sinh hoạt đang đi đâu?

Dù Luật bảo vệ môi trường đã quy định trách nhiệm phải thu hồi sản phẩm đã qua sử dụng của nhà sản xuất, nhập khẩu pin nhưng chưa có đơn vị nào chính thức nhận pin cũ từ cộng đồng. Vậy pin thải sinh hoạt đang đi đâu?

Bà Nguyễn Thị Thanh, trú tại khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội bị cao huyết áp nên thường phải sử dụng máy đo huyết áp chạy bằng pin. Trung bình mỗi tuần, gia đình bà sử dụng ít nhất từ 6-8 viên pin tiểu nhưng cách xử lý pin thải lại đang được thực hiện ”nửa vời”.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

"Bác dùng để đo huyết áp, 4 viên loại 8.000 đồng nhưng mà nhanh hết lắm, đồ chơi điện tử của cháu và đài của vợ chồng con trai cũng dùng pin, nhiều lắm, tích vào một hộp nhưng vừa rồi chả biết nó vứt đi đâu, xong bác bảo không thấy hộp để tích, bác vứt vào thùng rác", bà Thanh cho hay.

Còn bác Hoàng Hải, ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông thường xuyên bỏ pin vào thùng rác vì cho rằng, một vài viên pin nhỏ cũng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

"Pin đồ chơi trẻ em, pin điều khiển, các loại pin đồng hồ khi mà dùng hết rồi thì thường cho vào túi rác, đưa lên xe môi trường. Nó có ít, không đáng kể, mỗi nhà, thỉnh thoảng chỉ có 2-3 cục thôi. Ở đây, không thấy có đơn vị nào thu gom", bà Hải nói.

Em Hoàng Kim, sinh viên đại học năm thứ 3 cho biết, đa phần sinh viên thường mua các loại pin có giá rẻ vì hợp túi tiền nhưng thời gian sử dụng ngắn. Thông thường, Đoàn thanh niên của trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn 3 tháng tổ chức thu gom pin cũ một lần, nhưng theo em Kim, không phải trường đại học hay khu dân cư nào cũng có điểm thu gom pin đã qua sử dụng.

"Hiện tại, con thấy lượng pin mình sử dụng, thải ra khá là nhiều. Chẳng hạn như ở trong trường, mỗi ngày học như thế, thì ít nhất cũng sẽ tiêu tốn khoảng 4-5 viên pin. Ở khu dân cư mà con sinh sống con chưa thấy có chương trình thu gom pin", em Hoàng Kim cho biết.

Theo các chuyên gia hóa học, trong thành phần pin chứa nhiều kim loại nặng khác như chì (Pb), kẽm (Zn), niken (Ni), cadmium (Cd), thủy ngân (Hg), asen (As - thạch tín),… Đây là những thành phần nguy hại nên nếu vứt pin ra môi trường hoặc chôn lấp, pin sẽ tiếp tục phân hủy và rò rỉ, gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm, nước mặt và hệ sinh thái động- thực vật xung quanh đó. Bởi vậy, việc phân loại và thu gom pin phải thực hiện đúng cách và đúng quy trình.

Tuy nhiên, theo anh Đức Chung, chuyên gia lĩnh vực môi trường, hiện nay còn nhiều bất cập trong việc phân loại pin tại nhà: "Đối với người dân thường mọi người chưa biết cách phân loại pin. Pin cũng có một số loại pin có thể tái chế được như pin lithium hoặc ác quy. Đa phần mọi người dùng pin kẽm các- bon, ít dung lượng, rẻ tiền, kém chất lượng. Khi để chung pin với nhau thì sẽ chảy nước. Em hay khuyến khích mọi người dùng pin có dung lượng cao hơn, thay vì 1 tháng thải ra 10 viên pin kẽm – các bon, bây giờ chỉ cần thải ra 1 viên."

Chị Mai Thị Thu Hằng, đại diện Chương trình Việt Nam tái chế cho biết, hiện nay ngoài việc thu gom các thiết bị điện tử đã qua sử dụng, chương trình còn thu gom các loại pin điện thoại và máy tính. Số lượng pin thu gom được có xu hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, hiện chương trình mới có 5 địa điểm thu gom tại Hà Nội.

"Hiện tại, Việt Nam tái chế chỉ còn 2 thành viên nên đang có hạn chế về nguồn lực nên Việt Nam tái chế đang kêu gọi các nhà sản xuất khác tham gia thành viên với chương trình để đồng hành và phát triển chương trình nhiều hơn đến các tỉnh thành khác", chị Hằng đề xuất.

Pin nằm trong danh mục rác nguy hại và phải có một quy trình xử lý khá đặc biệt, chỉ có những đơn vị được Nhà nước cấp phép mới được xử lý pin đã qua sử dụng. Dù trách nhiệm được quy định trong Luật định xong thực tế, các nhà sản xuất, nhập khẩu vẫn chưa thực hiện, câu hỏi “Pin thải sinh hoạt đang đi đâu” vẫn còn bỏ ngỏ.

Hải Hà/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/pin-thai-sinh-hoat-dang-di-dau-post1103594.vov