Qatar sẽ 'dừng' bán khí đốt cho EU nếu bị phạt theo luật thẩm định

Qatar đã đe dọa sẽ dừng các chuyến hàng khí đốt quan trọng tới EU nếu các quốc gia thành viên thực thi nghiêm ngặt luật mới nhằm trừng phạt các công ty không đáp ứng các tiêu chí đã đặt ra về khí thải carbon, quyền con người và lao động.

Tờ Financial Times đưa tin, Qatar vừa đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng nước này sẽ dừng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Liên minh châu Âu (EU) nếu các quốc gia thành viên áp dụng nghiêm ngặt luật mới về thẩm định doanh nghiệp, bao gồm các khoản phạt nặng đối với vi phạm về khí thải carbon, quyền con người và lao động.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Saad al-Kaabi, nhấn mạnh: “Nếu bất kỳ quốc gia EU nào áp dụng mức phạt tương đương 5% doanh thu toàn cầu của công ty như đã nêu trong luật mới, Qatar sẽ không xuất LNG sang châu Âu nữa".

 Theo nhiều nguồn tin, trữ lượng khí đốt tự nhiên của Qatar đủ để khai thác trong 138 năm tới. Ảnh: Mytour.

Theo nhiều nguồn tin, trữ lượng khí đốt tự nhiên của Qatar đủ để khai thác trong 138 năm tới. Ảnh: Mytour.

Được thông qua vào tháng 5/2023, luật thẩm định doanh nghiệp của EU trao quyền cho các quốc gia thành viên áp đặt các mức phạt lên đến 5% tổng doanh thu toàn cầu đối với các công ty vi phạm. Đây là một phần trong nỗ lực đầy tham vọng của EU nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, luật này đang vấp phải sự phản đối dữ dội từ các doanh nghiệp trong và ngoài EU, cho rằng quy định quá khắt khe và làm giảm sức cạnh tranh.

Qatar, một trong những nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho châu Âu sau khi Nga cắt giảm khí đốt vì cuộc xung đột ở Ukraina. Công ty QatarEnergy đã ký hàng loạt hợp đồng dài hạn với Đức, Pháp, Italy và Hà Lan để cung cấp LNG.

Ông al-Kaabi, đồng thời là CEO của QatarEnergy, cho rằng luật thẩm định doanh nghiệp của EU sẽ tạo ra gánh nặng quá lớn cho các công ty năng lượng như QatarEnergy, đặc biệt trong việc kiểm tra chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chúng tôi có khoảng 100.000 nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó có nghĩa là tôi cần hàng nghìn nhân sự để thực hiện việc kiểm tra hoặc phải chi hàng triệu USD cho các dịch vụ kiểm toán”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, QatarEnergy khó có thể đáp ứng yêu cầu lập kế hoạch chuyển đổi phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của EU, do bản chất sản xuất hydrocacbon của ngành năng lượng này.

Ông al-Kaabi cảnh báo rằng luật này không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu LNG mà còn tác động đến phân bón và hóa dầu của Qatar sang EU. Thậm chí, các quyết định đầu tư của Quỹ đầu tư quốc gia Qatar (QIA) cũng có thể bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh QatarEnergy sẽ không vi phạm các hợp đồng LNG hiện tại, nhưng sẽ tìm kiếm các biện pháp pháp lý nếu đối mặt với các khoản phạt lớn. Thậm chí, quốc gia này sẽ dừng nguồn cung cấp tới châu Âu.

Ông al-Kaabi để ngỏ khả năng thỏa hiệp nếu mức phạt chỉ áp dụng trên doanh thu tại châu Âu thay vì toàn cầu. “Nếu họ nói rằng mức phạt là 5% doanh thu từ hợp đồng tại châu Âu, tôi có thể xem xét điều đó. Nhưng nếu áp dụng trên toàn bộ doanh thu toàn cầu, điều đó hoàn toàn vô lý”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gần đây cam kết sẽ đề xuất luật “omnibus” để giảm bớt các yêu cầu báo cáo từ các luật tài chính xanh của EU, bao gồm cả luật thẩm định doanh nghiệp.

Lời đe dọa từ Qatar diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực tìm cách đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và giảm sự phụ thuộc vào Nga. Nếu Qatar thực sự dừng cung cấp LNG, EU có thể phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng mới, đặc biệt trong mùa đông này.

Châu Âu đang đối mặt với nhu cầu năng lượng tăng trước thời điểm mùa đông, khiến cho dự trữ khí đốt ở châu Âu đang cạn kiệt nhanh chóng. Cùng với đó là nguồn cung sắp bị cắt giảm từ Nga do lệnh trừng phạt mới của Mỹ, điều này nhen nhóm cuộc khủng hoảng năng lượng mới cho châu Âu, trong khi khu vực này vẫn đang phải vật lộn với cú sốc thiếu hụt khí đốt cách đây 2 năm.

Ngoài nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga, giá khí đốt châu Âu cũng tăng do thời tiết lạnh hơn khiến nhu cầu sưởi ấm và sản xuất điện từ khí đốt tăng. Sự gia tăng nhu cầu này càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung và đẩy giá khí đốt lên mức cao mới.

Vào cuối tháng 11, giá khí đốt ở châu Âu đã vượt quá 530 USD cho 1.000 m3 lần đầu tiên trong năm nay.

Theo Bloomberg, hôm 17/12, giá khí đốt tại châu Âu tăng 4,4%, mức tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 11, sau khi Ủy ban châu Âu khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc kết thúc thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga - Ukraine vào cuối năm nay.

Theo nhiều nguồn tin, giá khí đốt tăng cao tại châu Âu đang đặt ra nhiều thách thức lớn về tăng trưởng kinh tế tại khu vực này trong năm 2025. Sự biến động này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, tiêu dùng mà còn tác động sâu rộng đến các chính sách an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Liên minh châu Âu (EU).

Hơn nữa, giá khí đốt đắt đỏ đang và sẽ tạo ra gánh nặng lớn đối với nền kinh tế châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro (Eurozone) trong năm 2025 sẽ đạt 1,3%, cao hơn mức 0,8% của năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế này vẫn chịu nhiều áp lực từ lạm phát và chi phí năng lượng cao.

Lê Na (Theo FT, Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/qatar-se-dung-ban-khi-dot-cho-eu-neu-bi-phat-theo-luat-tham-dinh-post326951.html