QĐND Việt Nam qua đánh giá của đối phương và học giả phương Tây

Trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự đùm bọc của nhân dân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Quân đội ta đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Những thành tích vẻ vang đó không những được nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế ghi nhận, mà ngay cả những người trước đó là đối phương cũng đánh giá cao. Thông qua những nhận xét của những chính trị gia, tướng lĩnh, học giả đã từng ở bên kia chiến tuyến là minh chứng khách quan về bản lĩnh và trí tuệ của một đội quân của dân, do dân và vì dân: QĐND Việt Nam.

QĐND Việt Nam với bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh tập thể đã lập nên những chiến công hiển hách khiến kẻ thù phải kính nể. Ảnh: Minh Nguyễn

QĐND Việt Nam với bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh tập thể đã lập nên những chiến công hiển hách khiến kẻ thù phải kính nể. Ảnh: Minh Nguyễn

Cuộc chiến tranh giải phóng trường kỳ, gian khổ của nhân dân ta kết thúc thắng lợi với hai dấu mốc lịch sử: Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khiến cả thế giới biết tới: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp. Đại thắng mùa Xuân 1975 tiếp tục khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới. Trong cả hai sự kiện trọng đại đó của dân tộc có vai trò to lớn của QĐND Việt Nam, đồng thời, khiến cho các tướng lĩnh và các nhân vật “chóp bu” trong quân đội và Chính phủ Pháp - Mỹ thời bấy giờ phải thừa nhận.

Ngay từ trước khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương (1953 - 1954) nhận xét: “Quân đội Việt Minh là một “hình chóp nón sống” bám rễ sâu trong nhân dân... Đỉnh tháp là bộ đội chính quy, tổ chức thành khối chủ lực cơ động tác chiến, trang bị ngày càng tốt, trong khi vẫn giữ vững tính cơ động linh hoạt, trở thành một quân đội hiện đại có khả năng mở những chiến dịch tiến công lớn trên toàn chiến trường Đông Dương... Từ đó đối với chúng ta, viễn cảnh thật là đáng lo âu đối với chiến cuộc 1953 - 1954 sắp tới”[1].

Raoul Salan, người tiền nhiệm của Navarre bày tỏ sự khâm phục: “Quân đội Việt Minh là một lực lượng bộ binh xuất sắc... Lính bộ binh chính quy Việt Minh theo quan niệm của tôi, là địch thủ ghê gớm nhất mà Pháp đã gặp phải từ sau trận Verdun. Lính bộ binh Việt Nam còn mạnh hơn người lính Đức vì với chất lượng đã có lại cộng thêm sức mạnh tập thể”[2].

Laniel, Thủ tướng Chính phủ Pháp (6/1953 - 6/1954) thú nhận: “Bây giờ nhìn lại lịch sử, sai lầm này thật đáng ngạc nhiên. Sai lầm đó là chấp nhận giao chiến với chủ lực Việt Minh vào một thời điểm chưa cần thiết, trên một địa hình mà phần lớn thuận lợi thuộc về địch”[3]. Có cùng quan điểm, Paul Ély, Cao ủy Pháp, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương cho rằng: “Người ta có thể bút chiến xoay quanh những nguyên nhân của thất bại đó. Sai lầm trong việc chọn điểm tựa Điện Biên Phủ và trong quyết định chấp nhận cuộc giao chiến tại đó, sai lầm trong việc đánh giá bản lĩnh đối phương”[4].

Đánh giá về lực lượng bộ binh của ta, Đại tá Pie Langle, Phó Tổng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ca ngợi: “Bộ binh Việt Minh đã chứng minh phẩm chất tốt đẹp nổi tiếng của họ và đã chiến đấu quyết liệt chưa từng thấy. Trận địa của họ được ngụy trang một cách tài giỏi ở trong rừng rậm, kỷ luật chiến đấu của họ hoàn toàn chặt chẽ”[5].

Ngày 17/9/1954, sau khi được QĐND Việt Nam trao trả tại Việt Trì, tướng de Castries trở về Pháp và có cuộc gặp gỡ với báo chí. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Monde đăng ngày 18/9/1954, ông ta cho rằng: “Các đơn vị chiến đấu của họ đều có kinh nghiệm và truyền thống, mặc dù họ đi lên từ số không năm 1946. Họ có một chiến thuật rất mềm dẻo và rất khôn khéo. Tôi phải thừa nhận là tôi đã chạm trán với một đối phương có tài chỉ huy tuyệt hảo và rất thành thạo”[6].

Sau này, học giả người Mỹ Howard R. Simpson viết: “Chiến tranh Đông Dương đã thay đổi đáng kể từ khi Navarre tới. Lực lượng du kích Việt Minh của Cụ Hồ Chí Minh từng tấn công các đơn vị của Pháp năm 1946 chỉ bằng những súng trường bị bỏ đi và những quả đạn tự tạo, nay đã phát triển thành một quân đội có kỷ luật có thể làm chủ các sư đoàn chính quy có pháo binh và trọng pháo yểm trợ”[7].

Hình ảnh xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 luôn là niềm tự hào, là biểu tượng chiến thắng của dân tộc, của QĐND Việt Nam. Trong ảnh: Xe tăng của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Hình ảnh xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 luôn là niềm tự hào, là biểu tượng chiến thắng của dân tộc, của QĐND Việt Nam. Trong ảnh: Xe tăng của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Ngay từ năm 1950, Mỹ đã viện trợ cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, bài học Điện Biên Phủ không được giới cầm quyền Mỹ bấy giờ rút kinh nghiệm. Để rồi, chính người Mỹ đi vào vết xe đổ và gánh chịu thất bại đầu tiên trong lịch sử gần 200 năm lập nước. Mặc dù vậy, giới chính trị, quân sự và cả những binh sĩ Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cũng không thể phủ nhận về sức mạnh và trí tuệ của QĐND Việt Nam.

Tờ Pacific Stripe của quân đội Mỹ xuất bản tại Sài Gòn số ra ngày 24/3/1975 đăng tuyên bố của tướng C. Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ: “Không thể chần chừa được nữa, Cộng quân mạnh hơn rất nhiều, không còn thời gian nữa, buộc chúng ta phải đưa ra các quyết sách chiến lược”. Sau khi quân ta đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc (21/4/1975), Rockefeller, Phó Tổng thống Mỹ than rằng: “Đã quá muộn để có thể làm bất cứ điều gì nhằm lật ngược tình thế tại Việt Nam cộng hòa”[8]. Tờ Armed Forces Journal, số ra tháng 6/1975 khẳng định: "Có thể thấy sự bi thảm trong toàn bộ quân đội Sài Gòn ở giờ phút cuối cùng này... sự thật chúng ta nhận thấy sức mạnh vượt bậc của quân Cộng sản trên mọi mặt"[9].

Trong tác phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” xuất bản tại New York (Mỹ) năm 1985, Giáo sư sử học, Tiến sĩ triết học Mỹ Gabriel Kolko lý giải chiến thắng của Việt Nam: "Một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị trong QĐND Việt Nam luôn phát huy dân chủ, thân thiết đối với binh sĩ của mình như người cha, người anh, người bạn; họ quan hệ với nhau như anh em trong một gia đình. Điều này trái hẳn với quân đội nhà nghề Mỹ trong tham chiến trên các chiến trường Việt Nam".

Trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, do Nhà xuất bản Random House (Mỹ) cho ra mắt tháng 4/1975, Mc Namara đã công khai thừa nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Đây là lời thú nhận thất bại cay đắng chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Tướng Maxwell D. Taylor, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cũng thừa nhận: “Sức mạnh không quân là một sự yểm trợ, nhưng nó không thể quyết định việc chặn đứng những con người kiên quyết chiến đấu trên mặt đất... Chúng tôi đã không đánh giá đúng tinh thần cực kỳ kiên quyết và đức tính hy sinh vì sự nghiệp của người dân Việt Nam”[10].

Điểm qua một số nhận xét, đánh giá về QĐND Việt Nam ở hai thời điểm lịch sử khác nhau, cho thấy đối phương thừa nhận thất bại và luôn dành cho Quân đội ta sự tôn trọng cả về ý chí, nghị lực cũng như trình độ tác chiến. Đây là những minh chứng cho phẩm giá của Quân đội ta; đồng thời là niềm tự hào, động lực để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Hà Hải

-------------------------

[1] Henri Navarre, Thời điểm của những sự thật (trích hồi ký của tướng Nava về Điện Biên Phủ), người dịch: Nguyễn Huy Cầu, Nhà xuất bản (Nxb) Công an nhân dân - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, H, 1994, tr.54 - 55.

[2] Việt Bắc, Tư liệu qua sách báo phương Tây, Tạp chí Lịch sử quân sự, 5/1994, tr.74.

[3] Laniel, Tấn thảm kịch Đông Dương, Nxb Plông, Pari, 1954, tr.49 - 55.

[4] Paul Ély, Đông Dương trong cơn lốc, Nxb Rơnê Giulia, Pari, 1962, tr.95 - 96.

[5] Pie Langle, Điện Biên Phủ, Nxb Phrăngxơ Ampia, Pari, 1963. Dẫn theo: Việt Nam - Điện Biên Phủ bản anh hùng ca thời đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 1984, tr.113 - 115.

[6] “Tôi đã chạm trán với một đối phương có tài chỉ huy tuyệt hảo và rất thành thạo” (Nguyễn Văn Sự dịch). In trong: Tạp chí Lịch sử quân sự, 5/2004, tr.36.

[7] Howard R. Simpson, Điện Biên Phủ - Cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi, Nxb Công an nhân dân - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 2004, tr.36.

[8] Frank Snepp, Cuộc tháo chạy tán loạn, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr.257.

[9] Trương Mai Hương, Quân đội nhân dân Việt Nam qua đánh giá của đối phương, Tạp chí Lịch sử quân sự, 12/2019, tr.90.

[10] Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 1976, H, tr.181.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/qdnd-viet-nam-qua-danh-gia-cua-doi-phuong-va-hoc-gia-phuong-tay-post484931.html