Tâm lý bài nhập cư dâng cao ở Đức sau vụ đâm xe ở Magdeburg

Vụ đâm xe kinh hoàng ở Magdeburg trở thành tâm điểm của những tranh cãi về vấn đề nhập cư, an ninh và trách nhiệm của chính phủ Đức, với nguy cơ đẩy xã hội nước này vào một cuộc khủng hoảng niềm tin.

Những quầy rượu vang nóng, vốn là điểm nhấn của mùa Giáng Sinh ở thành phố Magdeburg (Đức) với ánh đèn lung linh và được trang hoàng lấp lánh, giờ đây chỉ còn lại sự trống trải và im ắng. Trên con phố chợ bị phong tỏa, cảnh sát Đức vẫn đứng canh gác cẩn mật trong khi đội pháp y thận trọng khám nghiệm hiện trường trước khi tẩy sạch những vết máu trên mặt đường.

Vụ tấn công kinh hoàng bằng ô tô tại chợ Giáng sinh tối 20/12 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 người, trong đó có một bé trai 9 tuổi, đẩy thành phố tỉnh lẻ này vào cảnh tang tóc. Tại lối vào chợ, nhiều người dân địa phương đau buồn thắp nến và đặt hoa tưởng nhớ những người đã khuất. Không ít người cảm thấy trong lòng như có một nỗi mất mát sâu sắc.

"Tôi đã chứng kiến rất nhiều nỗi đau, nhiều nước mắt, sự bàng hoàng và những cú sốc cực độ", Corinna Pagels, một cố vấn tâm lý khẩn cấp đang hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công, chia sẻ với kênh CNN.

Xe cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ đâm xe chết người tại Magdeburg, Đức. Ảnh: EPA

Xe cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ đâm xe chết người tại Magdeburg, Đức. Ảnh: EPA

Ký ức kinh hoàng về vụ tấn công tương tự ở thủ đô Berlin năm 2016 một lần nữa hiện về. Thủ phạm khi đó, một người đàn ông Tunisia 24 tuổi từng tuyên thệ trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã lái xe tải đâm thẳng vào đám đông đang vui chơi tại một chợ Giáng Sinh, khiến hàng chục người thiệt mạng. Vụ việc đã gây tâm lý căm phẫn và ngờ vực trên khắp nước Đức đối với dòng người nhập cư gần đây, chủ yếu là người Hồi giáo từ khu vực Trung Đông.

Nhưng lần này, nghi phạm là đối tượng rất khác. Taleb al-Abdulmohsen, 50 tuổi, đến từ Ả-tập Xê-út nhưng đã sống ở Đức hơn 20 năm, là một người vô thần và có quan điểm chống Hồi giáo. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019, tên này từng tự mô tả bản thân là "người chỉ trích Hồi giáo hung hăng nhất lịch sử".

Trên mạng xã hội và trong các tin nhắn cá nhân được khám xét, Abdulmohsen bày tỏ sự ủng hộ đối với đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) với quan điểm chống nhập cư. Tên này lặp đi lặp lại lại sự thất vọng của mình với những gì bị hắn xem là đường lối mềm mỏng của chính phủ Đức về vấn đề nhập cư, và từng tuyên bố rằng Đức muốn "Hồi giáo hóa châu Âu".

Nhưng đối với nhiều người Đức ở Magdeburg, những gì được ghi trên hồ sơ tội án của Abdulmohsen không còn là thứ khiến họ bận tâm. "Các chính trị gia của chúng ta phải chịu trách nhiệm về điều này", một phụ nữ địa phương nói với CNN sau khi đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công xe bên ngoài hàng rào hiện trường. "Tôi nghĩ cần phải quét sạch những kẻ phạm tội".

"Giờ là lúc đóng cửa biên giới của đất nước chúng ta", một người dân địa phương khác tuyên bố.

Thậm chí, nhiều chính trị gia Đức từ các đảng đối lập nhau cũng lợi dụng vụ đâm xe làm cái cớ để công kích liên minh cầm quyền. "Tại sao rất nhiều lời khuyên và cảnh báo trước đó bị phớt lờ?" Sahra Wagenknecht, lãnh đạo đảng Cánh tả Đức, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser.

Trong khi đó, đảng cực hữu AfD sẽ tổ chức một cuộc biểu tình ở Magdeburg vào tối 23/12. Lãnh đạo của đảng này tại Quốc hội Đức đã yêu cầu triệu tập một phiên họp đặc biệt để thảo luận về các vấn đề an ninh sau vụ tấn công.

Dường như vụ đâm xe chết người tại chợ Giáng sinh ở Magdeburg, dù được cho là gây ra bởi một kẻ tự nhận theo chủ nghĩa bài Hồi giáo, lại đang tiếp thêm động lực cho tâm lý bài nhập cư từ một bộ phận đông đảo công chúng đang giận giữ ở Đức.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tam-ly-bai-nhap-cu-dang-cao-o-duc-sau-vu-dam-xe-o-magdeburg.html