Quả cầu lạ đột nhập hệ Mặt Trời, liệu có lao vào Trái Đất?

3I/ATLAS được các nhà thiên văn mô tả như một 'quả cầu băng' và đang trên đường đến gần khu vực Trái Đất chúng ta trú ngụ

3I/ATLAS là một vật thể lạ lùng, được chụp bởi cơ sở Chile thuộc hệ thống quan sát thiên văn quốc tế ATLAS vào ngày 1-7. NASA vừa xác nhận nó là vật thể liên sao thứ 3 mà người Trái Đất phát hiện và cũng là vật thể liên sao bay nhanh nhất.

Vật thể lạ 3I/ATLAS đang trên đường đến gần hơn với Trái Đất - Ảnh: ATLAS/NASA

Theo NASA, sau khi kiểm tra kho dữ liệu của các kính viễn vọng khác thuộc hệ thống ATLAS - đặt tại Hawaii (Mỹ) và Nam Phi, cơ quan vũ trụ này tiếp tục tìm thấy những hình ảnh mờ nhạt của 3I/Atlas được chụp vào tháng 6.

Hai đài quan sát Zwicky Transient và Palomar tại Mỹ cũng ghi nhận điều tương tự.

NASA cho biết 3I/ATLAS - được một số nhà khoa học mô tả là "quả cầu băng" - thực ra là một sao chổi đến từ bên ngoài hệ Mặt Trời.

Họ phân loại nó là vật thể liên sao vì hình dạng hyperbol của quỹ đạo, tức nó không đi theo một quỹ đạo khép kín quanh Mặt Trời.

Hiện tại, "kẻ đột nhập" này đang trên đường tiến đến gần Mặt Trời hơn và cũng là gần Trái Đất hơn, cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để quan sát nó.

Theo các tính toán, vật thể này sẽ cắt ngang quỹ đạo hành tinh láng giềng của chúng ta - Sao Hỏa - nhưng không gây va chạm.

Đường đi của vật thể 3I/ATLAS là đường kẻ màu trắng, cắt ngang quỹ đạo Sao Hỏa (Mars), Sao Mộc (Jupiters) và không đi qua quỹ đạo Trái Đất (Earth) - Ảnh: NASA

Đường đi của vật thể 3I/ATLAS là đường kẻ màu trắng, cắt ngang quỹ đạo Sao Hỏa (Mars), Sao Mộc (Jupiters) và không đi qua quỹ đạo Trái Đất (Earth) - Ảnh: NASA

NASA cũng khẳng định nó sẽ không gây nguy hiểm cho Trái Đất. Khoảng cách gần nhất mà nó sẽ tiếp cận hành tinh của chúng ta là khoảng 1,8 đơn vị thiên văn (khoảng 270 triệu km).

3I/ATLAS sẽ đạt đến điểm cận nhật (điểm gần Mặt Trời nhất) vào khoảng ngày 30-10 năm nay, ở khoảng cách khoảng 1,4 đơn vị thiên văn (210 triệu km), đó là lúc nó bay ngay bên trong quỹ đạo của Sao Hỏa.

Cũng theo cơ quan vũ trụ của Mỹ, vật thể lạ này hình thành trong một hệ sao khác và bằng cách nào đó bị đẩy ra ngoài không gian giữa các vì sao.

Trong hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỉ năm, nó đã trôi dạt cho đến khi rơi vào hệ Mặt Trời của chúng ta gần đây.

Kích thước và tính chất vật lý của sao chổi liên sao đang được các nhà thiên văn học trên toàn thế giới nghiên cứu.

3I/ATLAS sẽ vẫn có thể nhìn thấy bằng kính viễn vọng trên mặt đất cho đến tháng 9, sau đó nó sẽ đi qua quá gần Mặt Trời, chìm trong ánh sáng và không thể quan sát. Nó sẽ rõ ràng một lần nữa vào tháng 12, trước khi ngày một bay xa và cuối cùng thoát khỏi Thái Dương hệ.

Trước 3I/ATLAS, chỉ có 2 vật thể liên sao được ghi nhận là tiểu hành tinh hình điếu xì gà Oumuamua (năm 2017) và sao chổi 2I/Borisov (2019).

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/qua-cau-la-dot-nhap-he-mat-troi-lieu-co-lao-vao-trai-dat-196250704095457238.htm