Phát hiện 'hành tinh sát thủ' khiến sao mẹ liên tục phát nổ
'Hành tinh sát thủ' HIP 67522b có đường kính lớn gấp 10 lần Trái Đất và có một bầu khí quyển bị phồng rộp.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn Ekaterina Ilin từ Viện Thiên văn vô tuyến Hà Lan (ASTRON) đã khám phá những chi tiết đáng kinh ngạc về hành tinh đáng sợ mang tên HIP 67522b.

Ảnh đồ họa mô tả thế giới khốc liệt của hành tinh HIP 67522b và ngôi sao mẹ của nó, cùng một hành tinh nhỏ hơn ở hậu cảnh - Ảnh: API
HIP 67522b quay quanh ngôi sao loại G0 HIP 67522 cách chúng ta 417 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Bán Nhân Mã (Centaurus).
Ngôi sao mẹ này mới 17 triệu năm tuổi, tức chỉ như một đứa trẻ sơ sinh so với Mặt Trời 4,6 tỉ năm tuổi của chúng ta và có 2 hành tinh trẻ đang quay xung quanh.
Trong đó, HIP 67522b nằm gần sao mẹ hơn, chỉ mất 7 ngày Trái Đất để quay hết một vòng quanh ngôi sao.
Nó có đường kính gấp 10 lần đường kính Trái Đất - tức gần bằng đường kính Sao Mộc - một kích cỡ đủ lớn để tác động đến sao mẹ.
Sử dụng dữ liệu 5 năm từ kính viễn vọng TESS của NASA và CHEOPS của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu), các tác giả chỉ ra rằng hành tinh HIP 67522b và sao mẹ đang tương tác theo cách rất khủng khiếp.
Các nghiên cứu về hành tinh này, được công bố trên các tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics và Nature cho thấy hành tinh này sở hữu bầu khí quyển "sưng phồng" vì bị sao mẹ nung nóng khốc liệt.
Ngược lại, theo một cách nào đó mà các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ, hành tinh này kết nối với từ trường của sao mẹ, gây ra các vụ nổ trên bề mặt ngôi sao.
Các vụ nổ này cũng truyền năng lượng ngược trở lại hành tinh, kết hợp với bức xạ năng lượng cao để khiến tình trạng sưng phồng của bầu khí quyển nghiêm trọng hơn.
Theo các tác giả, "hành tinh sát thủ" này sẽ không duy trì được kích thước cỡ Sao Mộc trong thời gian dài, cũng như sẽ bị biến đổi thành một quả cầu trơ trụi.
Việc liên tục bị chiếu xạ mạnh có thể khiến bầu khí quyển của nó bị tước bỏ dần.
Các tác giả tính toán rằng chỉ trong 100 triệu năm nữa, hành tinh này có thể bị thu nhỏ lại thành một sao Hải Vương nóng, thậm chí là một loại hành tinh bé nhỏ và cằn cỗi hơn.