Quả dại vàng ươm, thơm nức, xưa rụng đầy gốc nay phải 'săn lùng' mới có
Loại quả dại này khi chín muồi vỏ và ruột chuyển màu vàng ươm, tỏa mùi thơm dễ chịu, vị ngọt thanh, chua nhẹ.
Từng là loại quả dại, mọc nhiều ở các miền quê, thậm chí rụng kín gốc không mấy ai để ý nhưng hiện nay, trái bình bát lại được nhiều người săn lùng tìm mua thưởng thức bởi hương vị thơm ngon và có thể "tái hiện ký ức tuổi thơ".
Trái bình bát được bán ở các thành phố lớn với giá 40.000-80.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Bình bát hay còn gọi là na đất, na xiêm, là loại cây thân gỗ, cao 2-5m, thường được trồng hoặc mọc dại theo kênh rạch. Loại cây này có từ Bắc vào Nam nhưng nhiều nhất là ở các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long…

Trái bình bát gắn với ký ức của thế hệ 8X, 9X. Ảnh: Cậu hai Niển
Trái bình bát có hình tim, khi non màu xanh nhạt, khi chín ngả vàng. Vỏ sần nhẹ nhưng không có gai như mãng cầu xiêm. Bình bát có cùi to ở giữa, với từng múi nhỏ như trái na, ruột ngả vàng hoặc vàng ươm.
Trái chín muồi tỏa hương thơm nức, vỏ nứt, lộ những thớ thịt vàng ươm, khi ăn có vị ngọt thanh, chua chua nhẹ. Mùa thu hoạch bình bát thường từ tháng 4 tới tháng 8 hàng năm.

Trái bình bát khi chín vỏ và ruột đều chuyển màu vàng ươm. Ảnh: Suốt Anh
Sau mưa, bình bát thường chín nhiều và bị gió thổi rụng xuống đất. Trái bình bát bung nứt và từ hột sẽ mọc lên những cây con, có sức sống mãnh liệt, chẳng cần ai chăm bón vẫn tốt tươi. Chúng mọc dại um tùm rồi ra trái, chín rụng đầy gốc.
"Bình bát là món ăn tuổi thơ của trẻ con nông thôn chúng tôi. Những trái chưa chín muồi, chúng tôi sẽ hái về, đem bỏ vào thùng gạo.
Chỉ sau một đêm, trái chín thơm nức. Lũ trẻ háo hức đem ra dầm đường rồi thưởng thức cùng nhau", anh Đỗ Suốt Anh (SN 1993, quê ở Cà Mau) chia sẻ.

Bình bát dầm đường là món giải nhiệt hấp dẫn. Ảnh: Suốt Anh
Giữa mùa hè nắng nóng đổ lửa, cốc bình bát dầm đá mát lạnh là món giải nhiệt lý tưởng. Người ta khéo léo gạt bỏ vỏ, lấy phần ruột của trái bình bát, cho vào cốc, thêm muỗng đường hoặc sữa đặc.
Ruột bình bát được dầm nhuyễn cùng đường, tỏa hương thơm dễ chịu, thêm đá cho mát lạnh. Người thưởng thức món này phải nhẩn nha để nhằn hạt, nhấp chút nước sánh ngọt, chua chua, man mát rất đặc trưng.
Có thời điểm, do cây bình bát không đem lại giá trị kinh tế cao nên người dân chặt bỏ.
Tới vài năm gần đây, bình bát "gây sốt" trên mạng xã hội, được nhiều người tìm mua. Bình bát bây giờ được chế biến thành nhiều món ngon như bình bát ngâm quất đường phèn, trà bình bát hạt chia, thạch bình bát...
Cùng với cơn sốt trà mãng cầu, món trà bình bát cũng được người dân địa phương và du khách ưa chuộng.
Ở các hàng quán, bình bát được trộn với đường phèn, đường vàng, thêm ít quất để ủ trà, để vào tủ lạnh, pha uống trong ngày hè nóng nực.


Món trà bình bát được bán tại nhiều cửa hàng ở TPHCM, Hà Nội. Ảnh: Trang To/Lê Bảo
Một điều cũng khá thú vị, các bộ phận từ rễ, thân, lá đến quả hay hạt bình bát đều được sử dụng làm dược liệu.

Trái bình bát xanh được tìm mua để làm thuốc. Ảnh: Tuấn Nguyễn