'Quả dưa đỏ' trong diện mạo mới

Sau gần 100 năm từ lần xuất bản đầu, tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Thuật đến với bạn đọc với minh họa của Tạ Huy Long.

 Sách Quả dưa đỏ. Ảnh: Đ.A.

Sách Quả dưa đỏ. Ảnh: Đ.A.

Quả dưa đỏ là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Trọng Thuật, ra mắt năm 1925. Ngay khi mới xuất bản, tiểu thuyết đã giành giải thưởng văn chương của Hội Khai Trí Tiến Đức.

Mới đây, tác phẩm được tái bản, in theo bản năm 1927. Cuốn sách ra mắt lần này mang một diện mạo mới với 12 tranh minh họa của Tạ Huy Long.

Người Việt đã quen thuộc với Sự tích quả dưa hấu cùng nhân vật Mai An Tiêm. Sự giao thoa giữa lịch sử và huyền thoại giúp câu chuyện về việc tìm ra quả dưa hấu trở nên sinh động. Con người và thần linh, hiện thực và kỳ ảo hòa quyện, tạo nên tích truyện ngấm vào dòng chảy văn hóa. Tích truyện này được kể theo nhiều cách trong dân gian.

Tác phẩm Quả dưa đỏ giữ cốt truyện Tây qua truyện (Sự tích quả dưa hấu) trong Lĩnh Nam chích quái. Qua ngòi bút Nguyễn Trọng Thuật, câu chuyện về Mai An Tiêm trở thành tiểu thuyết phiêu lưu, một tác phẩm về đất nước, con người, lồng ghép yếu tố văn hóa, lịch sử dân tộc Việt. Tác phẩm được đánh giá là góp phần làm vững thêm thành lũy cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt.

Yếu tố lịch sử, văn hóa dân tộc trong tác phẩm thêm sinh động với minh họa của Tạ Huy Long. Là họa sĩ nổi tiếng với những minh họa như bộ sách Tranh truyện lịch sử Việt Nam, Lĩnh Nam chích quái, Lịch sử nước Việt bằng tranh, Nam Hải dị nhân liệt truyện… Tạ Huy Long tìm tòi, thể hiện yếu tố văn hóa dân tộc trong bức vẽ của mình.

Mang âm hưởng của những huyền sử, nét vẽ khỏe khoắn với trí tưởng tượng bay bổng trong tranh đưa người đọc vào thế giới của những thần thoại, truyền thuyết. “Câu chuyện (của Quả dưa đỏ) mang tôi đi, và tôi như người được chứng kiến tất cả. Việc của tôi chỉ còn là tuôn chảy với hội họa mà thôi”, trích lời họa sĩ Tạ Huy Long.

 Tranh minh họa trong sách. Ảnh: Đ.A.

Tranh minh họa trong sách. Ảnh: Đ.A.

Quả dưa đỏ còn được đánh giá cao bởi đóng góp cho văn học Quốc ngữ đầu thế kỷ XX. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân nhận xét: “Với tác phẩm này, ông được coi là một trong những nhà văn tiên phong viết tiểu thuyết bằng quốc ngữ ở miền Bắc. Có thể nói Nguyễn Trọng Thuật là một trong những cây bút viết báo buổi đầu thế kỷ đã cố gắng duy trì nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, đồng thời tiếp thu nền văn hóa mới của Tây phương do người Pháp truyền bá sang nước ta”.

“Cả truyện có thể tóm tắt trong một câu luân lý này: Hễ có lòng tin cậy là thành công. Có một điều chúng ta nên biết là Đông Dương tạp chí chưa có truyện dài do người Việt Nam soạn, và Nam Phong tạp chí cũng phải đợi đến khi Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật ra đời mới có truyện dài do người Việt Nam viết để đăng, còn trước kia người ta chỉ đăng toàn tiểu thuyết dịch, thỉnh thoảng mới có một vài truyện ngắn viết. Như vậy, trong buổi đầu, thật rất có ít người Nho học lại có óc sáng kiến như Nguyễn Trọng Thuật”, trích đánh giá của nhà văn Vũ Ngọc Phan.

Nam Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/qua-dua-do-trong-dien-mao-moi-post1405281.html