Quà tặng từ 'mẹ thiên nhiên'
Cách trung tâm xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai) khoảng 3 km, thôn Ngải Phóng Chồ ẩn mình trong sương mù dày đặc. Đất đai cằn cỗi, những tảng đá xám xịt vương vãi trên khắp nương đồi như thử thách ý chí của con người nơi đây. Cảm phục trước sự chăm chỉ lao động của người dân Ngải Phóng Chồ, 'mẹ thiên nhiên' đã dành tặng vùng đất này món quà ý nghĩa, đó là 'khó chua Khe Ma' - một hang động kỳ vĩ và bí ẩn.
Theo tiếng Mông, người dân thường gọi “khó chua” để chỉ hang đá nằm ẩn mình trong núi, còn “Khe Ma” có ý nghĩa kỳ bí với câu chuyện liêu trai đằng sau nó. “Khó chua Khe Ma” hiện thuộc nương trồng ngô của gia đình Lù Minh Di, được phát hiện cách đây hơn 30 năm. Miệng hang nhỏ, chỉ vừa 1 người qua và được bao phủ bởi lớp cây rừng rậm rạp.
Ngược thời gian cách đây hơn 30 năm, giai đoạn đất nước mới bước vào thời kỳ đổi mới, nông dân Sín Chéng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu tư liệu sản xuất, nghiêm trọng nhất là thiếu phân bón. Đất đai vốn cằn cỗi lại càng thêm xơ xác, ngô, lúa không thể phát triển nên thiếu lương thực là điều không tránh khỏi. Trước tình hình đó, theo kinh nghiệm truyền dạy từ các cao niên trong thôn, bản, phải tìm được nguồn phân bón tự nhiên của con dơi thì mới có thể làm tốt tươi những nương đồi, mà dơi thường sống ở các hang động sâu trong núi.
Những người đàn ông sức dài vai rộng vì thế mà ngược núi tìm nguồn phân bón tự nhiên. Sau nhiều ngày vất vả, họ tìm thấy một “khó chua” ẩn mình sau bụi cây rậm rạp. Vào bên trong, thật kỳ lạ là rất nhiều phân dơi ở đó và nguồn phân tự nhiên này đủ cho nông dân trong vùng bón ruộng nương trong vòng hơn 2 năm. Nhưng trong quá trình vào hang lấy phân dơi, không ít câu chuyện liêu trai đã được truyền tai và cũng vì sự bí ẩn ấy mà cái tên Khe Ma ra đời.
Anh Vàng A Hòa - người dân thôn Ngải Phóng Chồ nhớ lại: Bố mẹ tôi kể lại rằng, nguồn phân bón dồi dào ấy như món quà từ thiên nhiên ban tặng, người trong thôn trân trọng lắm. Có lẽ vì vậy, thổ nhưỡng ở Ngải Phóng Chồ trở nên màu mỡ, đất cằn có thể trồng lúa, ngô, đậu tương đạt năng suất cao.
Người dân Ngải Phóng Chồ cũng truyền tai rằng phân bón chất cao như bức tường lấp gần kín hang. Sau hai năm thì bức tường ấy được khai thác hết, một số người vì tò mò lúc này đã đốt đuốc đi sâu vào bên trong và phát hiện một quần thể thạch nhũ kỳ vĩ làm mê mẩn lòng người. Khe Ma cũng dần trở thành điểm nghỉ ngơi của những người đi rừng hoặc nông dân làm nương trú mưa.
Dẫn chúng tôi khám phá Khe Ma, Bí thư Đảng ủy xã Sín Chéng - Vàng A Vảng hào hứng giới thiệu: Bên trong hang như một thế giới kỳ lạ, là lời giải cho sự bí ẩn và kỳ vĩ của mẹ thiên nhiên!
Lời giới thiệu ấy thực sự không “quá” chút nào khi chúng tôi đặt chân đến hang.
Quãng đường từ đường liên thôn đến Khe Ma không hề vất vả, chỉ đi bộ qua một vạt nương và mảnh rừng sa mu cổ thụ là cửa hang đã ở ngay trước mắt. Mỗi người cầm một chiếc đèn pin nhỏ, chúng tôi từ từ khám phá Khe Ma với niềm háo hức của những kẻ thích xê dịch.
Khe Ma sâu hơn 100 m, cao hơn 7 m, gồm 2 tầng, mỗi tầng là một kiểu thạch nhũ riêng biệt. Ngay cửa hang đi vào, từ trên cao rủ xuống nhũ đá như bông hoa tuy-líp khổng lồ lấp lánh được dệt từ hàng vạn viên pha lê tí hon. Một chút ánh sáng từ đèn pin chiếu rọi vào cũng đủ để bông hoa ấy “khoe sắc, tỏa hương”. Xung quanh nhũ đá hình bông hoa tuy-líp là hàng nghìn thạch nhũ lớn nhỏ như tấm rèm châu, soi kỹ lại thấy giống hoa văn trong thiết kế nhà từ thời cổ đại. Cách đó không xa là nhũ đá mang hình thù con rùa, con ếch, đầu rồng...
Tầng hai của hang mở ra thế giới thiên nhiên kỳ vĩ hơn với quần thể nhũ đá được kiến tạo qua nhiều năm. Nước bào mòn khiến chúng nhìn không khác gì rặng san hô dưới đáy đại dương. Trong đoàn chúng tôi, ai nấy đều mường tượng đặt chân đến tầng hai của Khe Ma như đang khám phá “lòng đại dương” trên cạn, còn nền hang lại như quần thể ruộng bậc thang đặc trưng của miền Tây Bắc với những thửa ruộng đều nhau, bờ ruộng uốn lượn theo từng lớp sóng.
Chúng tôi còn ấn tượng bởi rặng thạch nhũ lởm chởm mọc lên từ dưới nền hang giống những dãy núi đá xám thử thách ý chí của nông dân Si Ma Cai. Trong lòng hang có dòng suối nhỏ róc rách chảy qua. Không khí trong lành, mát lạnh là chốn “du lịch” của người dân Sín Chéng mỗi dịp cuối tuần, lễ tết. Họ đem theo thực phẩm, đồ ăn, nước uống vào hang “picnic” nhưng luôn có ý thức giữ gìn lòng hang sạch, đẹp.
Đánh giá cao tiềm năng của “khó chua Khe Ma”, cấp ủy đảng, chính quyền xã Sín Chéng đã mời một số đoàn khảo sát, tư vấn nhằm mở điểm du lịch tại đây trong tương lai. Người dân Ngải Phóng Chồ cũng đặt hy vọng vào tiềm năng du lịch của quê hương được khai mở để nông thôn mới đổi thay, cuộc sống thêm đủ đầy. Với người dân nơi đây, “khó chua Khe Ma” có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là món quà vô giá mà mẹ thiên nhiên ban tặng và họ luôn cảm ơn, trân quý, gìn giữ và phát triển.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/qua-tang-tu-me-thien-nhien-post379273.html