Quá trình đào sông Vĩnh Định của Triều Nguyễn

Vĩnh Định là một trong 8 con sông đào lớn được khơi thông dưới Triều Nguyễn. Sông Vĩnh Định nối liền giữa sông Thạch Hãn ở ngã ba Cổ thành đến sông Lương Điền, đi qua các xã của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị, thông vào phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là con đường thủy nội địa huyết mạch quan trọng dưới Triều Nguyễn. Qua chính sử Triều Nguyễn, việc thực hiện đào sông Vĩnh Định được phản ánh chân thực với nhiều tình tiết cụ thể.

Một đoạn sông Vĩnh Định chảy qua huyện Triệu Phong ngày nay -Ảnh: KHẮC NIÊN

Một đoạn sông Vĩnh Định chảy qua huyện Triệu Phong ngày nay -Ảnh: KHẮC NIÊN

Sông Vĩnh Định là công trình trị thủy lớn của tỉnh Quảng Trị dưới Triều Nguyễn. Con sông không chỉ quan trọng đối với nông nghiệp, giao thương của Quảng Trị mà liên quan trực tiếp đến Kinh sư. Quá trình đào sông kéo dài gần 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1825). Công trình thể hiện tầm nhìn xa của vua Minh Mạng trong phát triển kinh tế, giao thương và phòng thủ Kinh đô Huế.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên” (Đệ nhị kỷ), quyển 32, trang 8 và 9 chép: Ất Dậu, năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), mùa xuân, tháng 3, đào sông Vĩnh Định ở Quảng Trị. Quảng Trị trước có đường kênh từ Trung Đơn đến La Vi, rồi nhiều cát lấp thành nông cạn, thuyền bè khó đi. Vua muốn thông đường vận chở, trước sai giám thành Đỗ Phúc Thịnh đến xem xét. Bèn bàn khai đường kênh mới từ Quân Kinh đến Trung Đơn (dài hơn 1.720 trượng, mặt nước rộng 6 trượng là cùng). Đến nay mới sai Phó đô thống chế Phan Văn Thúy trông coi việc đào sông, cấp cho cờ khâm sai và bài phụng chỉ để thêm trọng sự thể (từ sau có việc sai phái đặc biệt đều cấp cho cờ bài).

Phát 3.700 người dân Thừa Thiên và Quảng Trị đến đào, hậu cấp tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp tiền 5 quan gạo 2 phương 15 uyển). Vật liệu cần dùng thì quan phải mua, không được lấy ở dân.

Dụ Phan Văn Thúy rằng: “Gần đây ít mưa, giá gạo hơi cao, trẫm thực chẳng muốn làm nhọc sức dân; duy con sông ấy công tư đều lợi, mà người đến làm lại cấp tiền gạo, chẳng chút ngại phí, ấy cũng là cái ý lấy công thay chẩn. Ngươi nên lấy ý ấy bảo rõ cho dân biết. Còn tiền gạo chi phát không nên ủy riêng cho lại dịch, mà chúng bớt xén, để cho dân ta nhờ được của kho mà vui lòng đến làm việc”.

Rồi thấy mùa hè nắng to, định giờ làm giờ nghỉ có hạn, khi nhọc khi rỗi có chừng (hằng ngày cứ nửa canh 5 đến làm việc, đồng hồ xuống đến 9 lượt thì nghỉ, buổi chiều đồng hồ xuống 4 lượt thì đến làm, đến nửa trống canh một thì nghỉ), 10 ngày một lần cho đồ ăn; ốm thì cho thuốc men. Khi đào xong, cho tên là sông Vĩnh Định. Sai dinh thần đem trâu rượu khoản đãi những người làm việc. Thưởng cho Phan Văn Thúy 2 thứ kỷ lục, 50 lạng bạc, 3 tấm sa, 1 tấm đoạn, cho Đốc biện là Đoàn Văn Trưởng và Nguyễn Văn Nam đều 1 thứ kỷ lục, 30 lạng bạc, 2 tấm sa, cho những viên biền theo làm việc đều 1 thứ kỷ lục. Có đào vào mất ruộng đất của dân thì miễn thuế, mồ mả nhà cửa phải dời đi thì cấp tiền (Trung Đơn, La Vi, Quân Kinh đều là tên xã).

Qua chính sử Triều Nguyễn cho thấy việc đào sông Vĩnh Định được Triều Nguyễn nói chung và vua Minh Mạng nói riêng chuẩn bị rất chu đáo. Công việc được nhà vua phân công rõ ràng. Với công việc đồ sộ như vậy nhưng việc đào sông được hoàn thành chỉ sau gần 5 tháng cho thấy sự nỗ lực của triều đình cũng như người dân tham gia đào sông. Sau này, con sông được khơi thông, nạo vét nhiều lần, trải dài từ thời vua Minh Mạng đến các đời vua Triều Nguyễn sau. Sông Vĩnh Định có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của vương Triều Nguyễn. Chính vì vậy dòng sông này đã được vua Minh Mạng lựa chọn để khắc lên Cửu Đỉnh.

Ngày nay tuy có nhiều đoạn bị thu hẹp và bồi lấp nhưng sông Vĩnh Định vẫn có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nước tưới tiêu cho các xã thuộc huyện Hải Lăng và Triệu Phong. Từ công trình đào sông Vĩnh Định dưới triều Vua Minh Mạng, chúng ta có thể thấy được chính sách trọng nông của nhà Nguyễn. Sông Vĩnh Định ngày nay vẫn phát huy tác dụng trong việc tưới tiêu, dẫn thủy nhập điền và giao thông đi lại, mang đến ích cho người dân.

Khắc Niên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/qua-trinh-dao-song-vinh-dinh-cua-trieu-nguyen-191183.htm