'Quái vật' tôm hùm đất ăn tạp, sinh sản cực nhanh, khuyến cáo không dùng làm thực phẩm

Tôm hùm đất là loài cấm nhập khẩu, buôn bán do chúng sẽ phá vỡ hệ sinh thái bản địa. Việc người dân mua tôm hùm đất làm thực phẩm cũng vi phạm pháp luật.

Tràn lan tôm hùm đất trên chợ mạng

Những ngày gần đây, tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên "chợ mạng", từ loại xông nhiệt cho tới tươi sống. Các đầu mối bán tôm hùm đất cho biết, hàng thường về theo ngày, khách lấy lẻ và lấy sỉ có giá khác nhau. Tôm hùm đất có 2 loại là đã chết và tôm còn sống. Loại tôm chết có giá khoảng trên 300 ngàn đồng/kg, còn tôm sống là 590 ngàn đồng/kg.

Theo một tiểu thương, tôm hùm đất sống nhập về được các đầu mối bên Trung Quốc đóng sẵn vào từng túi lưới, sau đó cho vào thùng xốp có đá lạnh. Tôm về đến nơi đảm bảo sống khỏe. Do là hàng sống nên rất ít khi có sẵn, đa phần khách mua phải đặt trước.

Ngoài mua tôm hùm đất làm thực phẩm, trước đây đã từng xuất hiện trường hợp mua tôm hùm đất về nhân nuôi. Người dân ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) từng xôn xao trước sự xuất hiện của những con tôm hùm đỏ hung dữ, có thể đi thẳng và đi lùi do một doanh nghiệp nhập về. Người dân gọi đó là loại "tôm 10 càng", 2 càng trước chỉ cần kẹp cái "tách" là cây lúa đứt làm đôi, sinh sôi nảy nở rất nhanh, chiếm dụng hết môi trường sống của các loài sinh vật khác.

Tôm hùm đất là sinh vật ngoại lại được đánh giá là cực kỳ nguy hại cho môi trường.

Tôm hùm đất là sinh vật ngoại lại được đánh giá là cực kỳ nguy hại cho môi trường.

GS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết, tôm hùm đất có thành phần hàm lượng vỏ rất lớn, thịt ít. Chất lượng thịt thì bình thường, không có độc tố khi dùng làm thực phẩm. Nhưng nếu để chúng tồn tại ngoài môi trường thì cực kỳ nguy hại.

Tôm hùm đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất có nhiều tên tiếng Anh như: Crawfish, Crayfish, Crawdads, Mudbugs, Red Swamp Crayfish. Loài này có nhiều ở Louisiana (Mỹ) nên còn gọi là Louisiana Crayfish, có đặc tính ăn cả động vật sống lẫn động vật chết và cả thực vật. Chúng sống cả trên cạn và dưới nước. Chúng thuộc nhóm sinh vật ngoại lai, không có giá trị kinh tế cao và còn phá hoại mùa màng. Chúng hay đào hang, làm hỏng đê điều. Vì là giống ăn tạp, nên tôm hùm đất có khả năng thích nghi tốt với môi trường, dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.

Từ năm 2013, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã cấm nhập khẩu và nhân nuôi tôm hùm đất. Tôm hùm đất cũng không có trong danh mục các thủy sản được phép kinh doanh trên thị trường. Hiện ở Việt Nam, duy nhất Viện nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản I được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu. Nhà hàng, quán ăn nhập tôm hùm đất đông lạnh về chế biến vẫn phải chứng minh được xuất xứ nguồn gốc và phải được hải quan và Cục Thú y Việt Nam cho phép. Ngược lại, những đơn vị nhập lậu theo đường tiểu ngạch, không được kiểm định thì vẫn bị xử phạt theo quy định dù tôm hùm đất còn sống hay đã chết.

GS Đặng Huy Huỳnh cho biết, nguy hại của tôm hùm đất là chúng sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Trong môi trường, chúng sẽ tiêu diệt hết các loại cá, tôm khác, làm cây cối, hoa màu chết. Vòng đời ngắn, sinh sản nhanh, nên chỉ một thời gian ngắn chúng sẽ chiếm lĩnh môi trường sống của các loài khác", GS Đặng Huy Huỳnh cho biết. Cách duy nhất ngăn chặn là cấm hoàn toàn việc nhân nuôi và sử dụng làm thực phẩm từ tôm hùm đất, không cho phép bán, trao đổi, giao lưu trên thị trường.

Nguy hại hơn cả ốc bươu vàng

"Trước đây, ốc bươu vàng cũng tưởng là một nguồn thực phẩm dồi dào do sinh sản rất nhanh, nhưng rồi chúng ta phải mất rất nhiều công sức tiền của để tận diệt", GS Đặng Huy Huỳnh cho biết.

Vậy nuôi tôm hùm đất làm gì, có lợi gì không? TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, tôm hùm đất là loài nhiều vỏ, ít thịt, tỷ lệ thịt chiếm chỉ khoảng 15% trọng lượng của tôm. Ở những nước cần đến vỏ tôm để sản xuất dược phẩm, người ta nuôi loại tôm này để lấy vỏ là chính.

Còn ở Việt Nam, lượng vỏ tôm thải từ quá trình sơ loại tôm đóng gói là rất lớn, không thiếu, nên không có nhu cầu nhân nuôi loại tôm này. Trong khi con tôm đang là loại hàng hóa xuất khẩu chủ lực thì sự tồn tại của sinh vật ngoại lai tôm hùm đất đe dọa rất lớn sự tồn tại của tôm bản địa. Bài học trước đây của ốc bươu vàng khiến chúng ta phải cảnh giác, bởi sau đó thì chúng ta phải tốn rất nhiều tiền để khắc phục hậu quả.

"Nguy hại nhất của tôm hùm đất là khả năng đào hang, đẻ trứng của chúng. Do thích nghi được với nhiều điều kiện môi trường khác nhau nên chúng sinh sôi nhanh, khả năng đào hang khỏe, có thể làm hỏng hệ thống kênh mương, thủy lợi. Trước đây đã có những nghiên cứu về loài tôm này, khuyến cáo đưa ra là không nhân nuôi loại tôm này, tránh các nguy cơ cho các loài sinh vật khác", TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.

Theo các chuyên gia, khó khăn trong tiêu diệt tôm hùm đất là chúng lớn rất nhanh và có thể đạt đến chiều dài 5,5-12 cm. Chúng cũng sống được cả trong môi trường nước có độ muối rất thấp vốn không phù hợp với nhiều loài tôm khác. Chúng có thể sống đến 5 năm, một số con có thể sống trên 6 năm trong điều kiện tự nhiên. Tôm hùm đất sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến...

Do vậy tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp. Bởi, tập tính của chúng là sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến...

Khả năng thích nghi tốt với môi trường biến chúng trở thành những sinh vật ngoại lai có hại khi phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.

Theo Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nhập khẩu trái phép hoặc phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Sáng 8/5: Bi kịch kẻ cuồng yêu mang xăng đốt nhà người tình khiến 4 người thương vong | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quai-vat-tom-hum-dat-an-tap-sinh-san-cuc-nhanh-khuyen-cao-khong-dung-lam-thuc-pham-169230508104702264.htm