Quán cà phê độc lạ gây tranh cãi nảy lửa ở Thượng Hải

Những vị khách đến quán Ferryman ở Thượng Hải sẽ nhận được ly cà phê miễn phí, đổi lại họ trải lòng về câu chuyện cá nhân và quan điểm xoay quanh cái chết.

Từ năm 2008, Liu Xing đã né tránh nhắc đến nỗi đau buồn trong trận động đất kinh hoàng ở Vấn Xuyên - nơi anh từng làm tình nguyện khi là sinh viên y khoa. Ám ảnh cái chết và sự tàn phá ở tỉnh Tứ Xuyên năm đó thậm chí khiến Liu phải chuyển từ ngành Y sang học quảng cáo.

16 năm sau, anh lần đầu dám làm sống lại những ký ức đó trong quán cà phê nhỏ, yên tĩnh ở Thượng Hải.

"Một đứa trẻ 7 tuổi hay một cụ già 70 tuổi khi đó đều biểu cảm giống nhau: họ vô vọng, nhìn mọi thứ với đôi mắt mở to vô hồn đầy khác lạ. Cảm giác họ chỉ còn là những cái xác", Liu (35 tuổi) nhớ lại hình ảnh những người sống sót mà anh gặp khi ấy.

Vào tháng 5, Liu là một trong hai khách mời tại quán cà phê Ferryman, nơi tổ chức sự kiện tưởng niệm đầu tiên dành cho 69.000 nạn nhân thiệt mạng trong động đất Vấn Xuyên. Sau bài phát biểu của Liu và một chuyên gia của tổ chức cứu hộ và cứu trợ quốc tế về việc đối mặt với những thảm họa khó lường, các vị khách lần lượt chia sẻ trải nghiệm của họ về cái chết.

Quán cà phê nói về điều cấm kỵ

Được điều hành bởi một công ty dịch vụ tang lễ cùng tên có trụ sở tại Thượng Hải, quán cà phê mang đến không gian hiếm hoi cho công chúng tìm hiểu về ngành tang lễ và thảo luận về một trong những điều cấm kỵ lớn nhất trong văn hóa Trung Quốc - cái chết.

Do sợ hãi và mê tín, nhiều người Trung Quốc vẫn tin rằng chỉ cần nhắc đến cái chết là có thể gây xui rủi. Cha mẹ tránh thảo luận về nó với con cái để bảo vệ chúng khỏi bị tổn hại, và người ta kiêng kỵ số 4 vì trong tiếng Quan Thoại, phát âm của 4 giống với "tử" (nghĩa là chết).

 Quán cà phê ở Thượng Hải trưng bày những bộ quần áo, đồ dùng sử dụng trong tang lễ.

Quán cà phê ở Thượng Hải trưng bày những bộ quần áo, đồ dùng sử dụng trong tang lễ.

Mặc dù ngày càng có nhiều cá nhân, đặc biệt là giới trẻ và người trung niên, dần cởi mở hơn khi nói về cái chết, thực hiện các bước như soạn thảo di chúc, vẫn còn nhiều người thấy trở ngại trong tìm hiểu về cái chết.

Tại quán cà phê Ferryman - được đặt theo tên nhân vật chở linh hồn qua các thế giới và giải quyết các vấn đề trong văn hóa dân gian Trung Quốc - những cuộc thảo luận về cái chết được khuyến khích và đón nhận. Với những ly cà phê miễn phí, khách hàng chia sẻ câu chuyện cá nhân và quan điểm của họ về cái chết.

Theo Shi Xiaolin, người đứng đầu dự án quán cà phê, Ferryman cũng là một phần trong nỗ lực của công ty dịch vụ tang lễ nhằm giáo dục công chúng về hoạt động kinh doanh tang lễ và giảm bớt những nhận thức tiêu cực về ngành này ở Trung Quốc.

"Chúng tôi hy vọng rằng hình thức 'trao đổi câu chuyện lấy cà phê' sẽ khuyến khích mọi người mở rộng trái tim mình. Nhiều người có điều ấp ủ trong lòng nhưng có thể không thể diễn đạt nó ngay lập tức trong một môi trường mới hoặc với những người xa lạ", Shi nói.

Kể từ khi khai trương vào tháng 2, quán cà phê Ferryman đã thu hút rất nhiều khách hàng tò mò như Liu, nhanh chóng khiến nó trở thành tâm điểm chú ý trên các nền tảng mạng xã hội trong nước, nhiều người gọi nó là "Cà phê tử thần".

Tuy nhiên, bên cạnh các nhận xét cởi mở, nhiều người cho rằng việc kết hợp chủ đề cấm kỵ như vậy với trải nghiệm uống cà phê là một mánh lới quảng cáo đem đến "điềm gở". Tranh cãi gay gắt từ dư luận thậm chí khiến quán phải tạm đóng cửa vài tuần trong tháng 4.

Nhưng khi có rất nhiều người bày tỏ mong muốn được trò chuyện, Ferryman đã mở cửa trở lại.

Nhiều vị khách để lại lời tâm sự sau trải nghiệm ở quán "cà phê tử thần".

Nhiều vị khách để lại lời tâm sự sau trải nghiệm ở quán "cà phê tử thần".

Cởi mở nói về cái chết

Shi nói rằng sự cấm kỵ xung quanh cái chết cũng dẫn đến lỗ hổng thông tin đáng kể trong ngành: Nhiều doanh nghiệp tang lễ vì lợi nhuận đã lợi dụng sự thiếu minh bạch này, dẫn đến tính phí dịch vụ ẩn, giá tang lễ cắt cổ và hoạt động không có giấy phép.

Việc giới thiệu một quán cà phê cùng với phổ biến dịch vụ tang lễ nhằm mục đích xác định lại ngành này, mặc dù nó có thể không mang lại thêm doanh thu. Shi nói: "Chúng tôi chỉ muốn xóa tan những quan niệm tiêu cực về ngành tang lễ và đưa nó ra ánh sáng để phát triển tích cực".

Trong 3 tháng qua, Sun Linguang, nam quản lý sự kiện tại Ferryman chịu trách nhiệm tiếp đón khách hàng và pha cà phê, đã gặp hàng trăm vị khách và lắng nghe câu chuyện của họ.

 Sun đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ về sự sống và cái chết sau khi lắng nghe hàng trăm câu chuyện từ khách hàng.

Sun đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ về sự sống và cái chết sau khi lắng nghe hàng trăm câu chuyện từ khách hàng.

"Kinh nghiệm sống của tôi đã trở nên phong phú sau khi nghe rất nhiều câu chuyện của mọi người. Nó khiến tôi suy nghĩa nhiều hơn về việc mình nên sống thế nào. Những vị khách đến đây cũng đã chữa lành cho tôi", Sun nói.

Đối với mỗi sự kiện đặc biệt, Sun chuẩn bị một bộ sưu tập cà phê độc đáo, mỗi loại tượng trưng cho một khía cạnh của cuộc sống - ngọt ngào cho niềm vui, chua chát cho thất vọng, đắng cho khó khăn và cay cho thử thách.

Tại sự kiện tưởng niệm ngày 12/5, Sun vẫn pha 4 loại cà phê này như thường lệ và mỗi người tham gia được yêu cầu trả lời 5 câu hỏi để giới thiệu bản thân sau khi nếm thử đồ uống.

Bốn câu hỏi đầu tiên tập trung vào tên, mô tả bản thân của người tham gia, mối liên hệ của họ với Ferryman và những mong đợi của họ khi đến đây. Câu hỏi thứ 5 là: "Bạn sẽ sử dụng thời gian còn lại của mình như thế nào nếu ngày mai là ngày cuối cùng của cuộc đời?".

Sự kiện có 9 người tham gia, trong đó có Liu Xing và những người khác đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, cả sinh viên đại học và chủ quán cà phê. Họ là người xa lạ nhưng có chung một trải nghiệm: sự mất mát người thân trong gia đình.

"Chúng ta có thể vui vẻ ăn mừng những cuộc sống mới, nhưng lại hiếm khi có cơ hội, bối cảnh hoặc thời gian để bình tĩnh thảo luận về cái chết với một nhóm người. Thật ý nghĩa và đặc biệt khi trò chuyện cởi mở về cái chết trong hoàn cảnh như vậy", một người tham gia 27 tuổi nói.

Mặc dù việc nhớ lại trải nghiệm tình nguyện của mình trong trận động đất Vấn Xuyên vẫn còn là tổn thương lớn đối với Liu, anh đánh giá cao cơ hội được chia sẻ câu chuyện của mình tại Ferryman.

Đối với anh, những cuộc thảo luận về sự sống và cái chết có thể giúp mọi người hiểu và biết cách đối mặt với sự ra đi đột ngột của những người thân yêu trong một xã hội có nhịp độ nhanh, áp lực cao.

Anh nói: "Cái chết là một thực tế khách quan, một quy luật của cuộc sống, một quy luật của tự nhiên. Một khi chúng ta học cách đối mặt với vấn đề mà không sợ hãi, việc xử lý cái chết sẽ bớt khó khăn hơn".

Đinh Phạm

Theo Sixth Tone

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/quan-ca-phe-doc-la-gay-tranh-cai-nay-lua-o-thuong-hai-post1478848.html