Quân dân xứ Huế gồng mình chống 'giặc thủy'
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 13-11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to gây ngập lụt một số địa phương, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại nặng nề đến tài sản nhân dân.
Nhằm giúp nhân dân ứng phó với mưa lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại, Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ sơ tán người, di dời tài sản người dân đến nơi an toàn. Trong thiên tai, hoạn nạn, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ càng sáng ngời trong lòng nhân dân.
Do ảnh hưởng đợt mưa lớn kéo dài từ chiều ngày 14-11, đến 5 giờ sáng 15-11, các địa bàn: Thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền... chìm trong biển nước. Vừa báo thức, trực ban Ban Chỉ huy quân sự thị xã Hương Thủy nhận được điện báo: Địa bàn các xã Thủy Phù, Thủy Thanh bị ngập nặng, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Nhận điện, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Hương Thủy nhanh chóng điều động hai tổ công tác lên xuồng cao tốc về các địa phương bị ngập lụt ứng cứu nhân dân.
Tổ công tác số 1 do Thiếu tá Hoàng Thế Thành Công, Phó tham mưu trưởng chỉ huy cùng 5 cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy quân sự thị xã Hương Thủy lên xuồng cao tốc thẳng tiến về xã Thủy Phù. Giữa biển nước mênh mông, trong màn mưa như trút nước, các anh phối hợp cùng lực lượng dân quân và Đoàn thanh niên xã Thủy Phù đi đến từng nhà, đưa người già, trẻ nhỏ lên thuyền sơ tán đến nơi an toàn; giúp các gia đình di chuyển tài sản, vật dụng sinh hoạt lên cao.
Khắp các làng quê Thủy Phù chìm trong biển nước, những tuyến đường giao thông trở thành dòng sông. Bất chấp hiểm nguy, trên chiếc xuồng cao tốc các đi đến từng ngõ ngách giúp người dân. Miệt mài, khẩn trương ứng cứu, giúp nhân dân khiến các anh quên cả đói mệt. Bữa cơm trưa chỉ qua loa miếng lương khô mang theo, các anh tiếp tục chiến đấu với “giặc thủy” giúp nhân dân qua cơn hoạn nạn. Và cứ thế, từ 5 giờ sáng đến 18 giờ chiều, tổ công tác Ban Chỉ huy quân sự thị xã Hương Thủy cùng các lực lượng đã sơ tán 319 người dân đến nơi an toàn và giúp gần 1.400 hộ dân di chuyển tài sản, vật dụng sinh hoạt lên nơi khô ráo.
Địa bàn huyện Quảng Điền là một trong những địa phương bị ngập nặng trong đợt mưa lụt lần này. 11/11 xã, thị trấn trong toàn huyện bị ngập hoàn toàn. Một số xã như Quảng An, Quảng Thành, nước ngập từ 0,8 – 1,3m, hầu như bị cô lập hoàn toàn. Ngay trong đêm 14 rạng sáng ngày 15-11, Ban Chỉ huy quân sự huyện Quảng Điền đã cử cán bộ, nhân viên cơ động về các địa bàn bị ngập nặng chỉ đạo lực lượng dân quân giúp các gia đình neo đơn, người già sơ tán đến nơi an toàn.
Được lực lượng dân quân ứng cứu, đưa lên thuyền sơ tán đến nơi an toàn, bà Lê Thị Nhân ở thôn An Thành, xã Quảng Thành xúc động nói: “Chưa năm nào, tháng 11 mà mưa lũ lớn như năm nay. Chỉ sau một đêm, căn nhà tôi nước đã ngập hơn 1m. Ông bà tôi chưa biết xoay xở ra sao thì được các chú dân quân đến cõng lên thuyền”.
Trung tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Quảng Điền cho biết: “Kịp thời giúp nhân dân ứng phó mưa lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Quảng Điền thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, tại các địa bàn ngập nặng huy động lực lượng dân quân, đoàn thanh niên dùng xuồng, phao bè tự tạo sơ tán người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn. Đồng thời, huy động các tổ chức, ban, ngành địa phương nấu cơm, tiếp tế thực phẩm, mỳ ăn liền hỗ trợ các hộ dân sơ tán di dời”.
Thông tin qua điện thoại, Trung tá Lê Đức, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc cho biết: Tính đến 18 giờ ngày 15-11, huyện Phú Lộc đã sơ tán 249 hộ/748 khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm do ngập lụt và sạt lở đất. Hiện nay tình hình mưa lũ ở địa bàn huyện Phú Lộc đang diễn biến phức tạp. Địa bàn các xã Lộc Bổn, Lộc Sơn, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, Lộc Thủy và thị trấn Phú Lộc có nhiều nhà dân bị ngập nước từ 0,4 - 0,7m với khoảng 3.285 hộ; bờ sông Bù Lu tại thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy tiếp tục bị sạt lở khoảng 660m; bờ biển Giang Hải – Vinh Hiền tiếp tục xâm thực, xói lở dài 900m; bờ biển Giang Hải – Vinh Mỹ tiếp tục xâm thực, xói lở dài 500m.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Lộc huy động 100% lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ bám địa bàn chỉ huy công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo số liệu thống kê, đến 18 giờ ngày 15-11-2023, mưa lũ đã gây ngập lụt hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, làm chết 1 người, 1 người mất tích và 2 người bị thương. Lực lượng vũ trang và các ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế đã di dời gần 1.500 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Thượng tá Hồ Đắc Quốc, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trước diễn biến mưa lũ hết sức phức tạp, đe dọa, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản hàng nghìn hộ dân, kịp thời giúp nhân dân ứng phó với mưa lũ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thành lập các đoàn công tác cơ động về các địa phương bị ngập nặng, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức 100% quân số sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, trong điều kiện các địa phương bị cô lập, gây khó khăn cơ động lực lượng, do vậy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” để phòng, chống, khắc phục hậu quả. Hiện nay, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và không để ai phải chịu đói, chịu rét. Cùng với đó là tập trung tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Xứ Huế vào đêm. Trời vẫn tiếp tục đổ mưa, gây hiểm họa đến an toàn, cuộc sống hàng nghìn người dân. Giữa biển nước mênh mông, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế tiếp tục xuyên vào màn đêm ứng cứu, hỗ trợ mhân dân. Trong thiên tai hoạn nạn, quân dân Thừa Thiên Huế siết chặt tay nhau cùng chiến thắng “giặc thủy”!
Bài, ảnh: NGỌC THĂNG – THANH SÁNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.