Quan điểm của đức Phật về vấn đề tế lễ và những liên hệ đến xã hội hiện nay
Về các nghi thức tế lễ, Thế Tôn dạy giới đàn tế lễ tốt là cúng hoa trái, tốt hơn nữa là bố thí, tốt hơn nữa là trì giới, tốt hơn nữa là hành thiền định, và tốt hơn nữa là hành trí tuệ để đoạn trừ các lậu hoặc.
Mục lục bài viết
DẪN NHẬP
NỘI DUNG
1. Nguồn gốc của việc tế lễ
2. Tế đàn đúng pháp
3. Liên hệ đến thực trạng xã hội ngày nay
Kết luận
Về các nghi thức tế lễ, Thế Tôn dạy giới đàn tế lễ tốt là cúng hoa trái, tốt hơn nữa là bố thí, tốt hơn nữa là trì giới, tốt hơn nữa là hành thiền định, và tốt hơn nữa là hành trí tuệ để đoạn trừ các lậu hoặc.
Tác giả: Thích nữ Hạnh Từ
Học viên Thạc sĩ Phật học K.5, Học viện PGVN tại TP.HCM
DẪN NHẬP
Mọi dân tộc trên thế giới đều có nghi thức cúng tế của mình. Riêng đạo Bà La Môn trong thời đức Phật rất quan trọng việc tế lễ. Hàng năm họ thường lập những đại tế đàn, trong đó hàng ngàn súc vật bị giết để cúng tế, với mục đích cầu được ơn trên ban phúc lành cho họ. Tùy theo mỗi quốc gia mỗi vùng miền mà chúng ta có những phong tục tập quán khác nhau. Hầu hết mọi người đều làm theo tập tục của những người xưa truyền lại, xưa sao nay vậy, mấy ai tìm rõ nguồn gốc để thực hiện đúng.
Rất nhiều người đang mơ hồ về vấn đề này, dẫn đến những hành động làm tổn hại đến tính mạng các sinh linh. Thậm chí làm tiêu tán tài sản một cách vô ích. Vậy việc làm đó đúng hay sai, nên hay không nên và cách thức làm như thế nào cho đúng thì chúng ta hãy cùng nhau làm rõ. Nhận thấy vấn đề này rất cần thiết cho tất cả mọi người nên người viết chọn đề tài này để nghiên cứu. Trong bài này, người viết sẽ dựa vào nguồn tài liệu từ kinh tạng như Nikaya và A Hàm để trích dẫn những lời Phật dạy về việc tế lễ.
Qua đây, sẽ giúp người viết có một sự am tường về vấn đề tế lễ, chẩn tế siêu độ hương linh, cũng như giúp cho người đọc hiểu được việc làm này đúng hay sai. Từ đó, có những phương pháp thực hành đúng, đem lại an vui hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại. Không còn những cảnh tàn sát những sinh linh vô tội, không còn cảnh đau thương mất mát.
Chúng ta xác quyết rằng một việc làm tàn ác làm hại người hại vật để mong cầu sự bình an cho bản thân, cho gia đình thì làm sao có thể đúng với đạo lý, đúng với luật nhân quả.
NỘI DUNG
1. Nguồn gốc của việc tế lễ
Mọi dân tộc trên thế giới đều có nghi thức cúng tế của mình. Riêng đạo Bà-la-môn trong thời đức Phật rất quan trọng việc tế lễ. Hàng năm họ thường lập những đại tế đàn, trong đó hàng ngàn súc vật bị giết để cúng tế, với mục đích cầu được ơn trên ban phúc lành cho họ. Kinh Kutadanta (Cứu-la-đàn-đầu), Trường Bộ I-5, cho biết: Khi đức Thế Tôn đang lưu trú tại khu vườn Ambalatthika cùng với 500 vị Tỳ kheo tăng, thì có một người Bà-la-môn tên là Kutadanta chuẩn bị tổ chức một đại tế đàn. Vì muốn tìm hiểu thêm những nghi thức tế lễ, nên đã không ngại tìm đến tham vấn đức Thế Tôn.
Với Bà-la-môn giáo, tế tự là một trong những phận sự cơ bản của con người, muốn thanh tịnh thân tâm, cần phải thông qua cúng tế. Trong bốn bộ Veda, đã dành riêng bộ Yayur-Veda chuyên về cúng tế. Chính vì vậy, có những Bà-la-môn chủ trương rằng sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ tế tự (yañnẽna suddhī).
Một trong những bằng chứng về quan điểm này, đó là khi vua Ba Tư Nặc gặp phải ác mộng, các vị Bà-la-môn đã đề xuất một đại tế đàn, mà chỉ tính riêng vật nuôi đã có năm trăm con bò đực, năm trăm con bò con đực, năm trăm con bò con cái, năm trăm con dê, và năm trăm con cừu (urabbha) được dắt đến trụ tế lễ để làm lễ tế đàn (S.i,75). Truyền thống hiến tế bằng sinh vật sống này hiện còn được tổ chức ở một vài nơi tại Ấn Độ, Nepal và bị dư luận thế giới cực lực chống đối.
2. Tế đàn đúng pháp
Vua Ba-tư-nặc său khi nằm mộng thấy mười việc, vua rất lo sợ, sợ mất nước, thân mình và vợ con. Liền triệu tập các Bà-la-môn vào để giải điềm mộng. Bà-la-môn đã đưa ra một giải pháp là phải tế lễ. Phải giết thái tử và vị đại phu nhân vua yêu quý nhất để dâng tế Thiên vương. Có bao nhiêu bảo vật trân kỳ quý báu đều phải đốt hết để tế trời. Như thế vua và nước mới hết nạn không lo [1].
Khi nghe ai nói hay truyền đạt một điều gì ta phải biết cân nhắc, xem xét, chỉ khi nào chúng ta suy tư, chiêm nghiệm và nhận thức xác đáng điều gì là chân chính, lợi ích cho mình và người thì hãy đem lòng tin tưởng và làm theo. Đức Phật rất đỗi từ bi và rộng lượng, Ngài không bắt buộc một ai tin theo mình mà chỉ khuyên mọi người không nên vội tin và cũng không nên bác bỏ. Chỉ khi nào những lời dạy đó đem áp dụng trong đời sống hằng ngày mà cảm nhận được lợi lạc thật sự cho chính mình thì mới hoàn toàn tin theo.
Vậy tế đàn như thế nào được xem là đúng pháp? Làm như thế nào để không hại người mà vẫn được hưởng được lợi lạc? Theo đức Phật, với những tế đàn không sát sinh thì yêu cầu phẩm vật của những tế đàn này được hoàn tất chỉ với dầu, sinh tô, thục tô, mật và đường miếng14. Từ cơ sở do đức Phật đề xuất này, có thể linh động về phẩm vật cúng tế trong từng thời kỳ xã hội, miễn làm sao, phẩm vật cúng tế không bao gồm sinh mạng cũng như không chuyên chở sự đau khổ của chúng sinh. Phật giáo, không chủ trương những nghi lễ tế tự phiền hà tốn kém, nhất là sát hại sinh linh để cúng tế. Thế nhưng do sự thiếu hiểu biết mà có một số người dù đã qui y tam bảo, thọ trì ngũ giới, lại tham gia các cuộc tế lễ ở đình, miếu, lăng, trong đó heo bò được giết làm tế vật chính.
“Hoặc tại lễ tế đàn,
Hoặc tín thí vong linh,
Tế vật cúng xứng đáng,
Tế lễ tâm hoan hỷ,
Hướng đến ruộng phước
Ðối các vị Phạm hạnh,
Khéo cúng, khéo tế lễ,
Khéo dâng bậc đáng cúng,
Tế đàn vậy rộng lớn,
Chư Thiên đều tán thán,
Bậc Trí sau khi lễ,
Tín thành tâm giải thoát” [2].
Về các nghi thức tế lễ, Thế Tôn dạy giới đàn tế lễ tốt là cúng hoa trái, tốt hơn nữa là bố thí, tốt hơn nữa là trì giới, tốt hơn nữa là hành thiền định, và tốt hơn nữa là hành trí tuệ để đoạn trừ các lậu hoặc. Thế Tôn hoàn toàn không khích lệ chư tăng sống dựa vào mong cầu, cầu nguyện hay vọng ngoại mà chỉ có chú tâm tỉnh giác, chính niệm tu tập [3].
Chúng ta có thể đem năng lượng tu tập của bản thân để giúp người khác cảm nhận được sự bình an. Nhờ sự tu tập tinh tấn, bản thân đạt được bình an giải thoát thì mới mang lại an vui cho người khác. Bản thân phải là tấm gương, nói pháp phải hành pháp thì mới mang lại lợi lạc cho tha nhân. Hạnh phúc hay bất hạnh chính do con người tạo ra và chịu trách nhiệm. Ðức Phật thường bảo con người là chủ tế của nghiệp là thừa tự của nghiệp, không có một đấng thần linh nào ban phúc hay giáng họa cho mình căn cứ vào tế lễ. Do đó muốn hưởng hạnh phúc lâu dài phải tự mình bồi đắp nhân lành, giống thiện mà thôi.
“Tổ chức tế đàn lớn
Không làm hại chúng sinh
Ai cúng tế như vậy
Là việc làm thanh tịnh
Gọi là tế an ổn
Bậc Phạm hạnh thọ nhận
Hiện đời trong thế gian Tiếng thơm đồn rất xa
Chiến tranh xa nơi ở
Tế như vậy đáng khen
Chư Phật khen rất tốt
Tế đàn là cách tế
Bố thí bằng thanh tịnh”[4].
Trong cuộc tế lễ thì người chủ tế phải trong sạch, quốc vương phải được trong sạch, và đặc biệt là không có sự hối tiếc trước, đang và sau khi tế lễ. Muốn cho lợi ích cuộc tế lễ lớn thì hãy tổ chức tế đàn một cách khiến nội tâm được an vui hoan hỷ và trong lễ tế đàn này, không có trâu bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có loại sinh vật nào khác bị sát thương, không có cây cối bị chặt làm trụ để tế lễ,… những người nô bộc hay người đau tin hay những người làm thuê không bị dọa nạt bởi hình phạt… Tế đàn nay hoàn thành chỉ với dầu, sinh tô, thực tô, mật, đường miếng”.
Vật tế là những món đồ làm từ thực vật hay ít nhất là những vật thực không tổn hại đến sinh mạng của chúng sinh như những tế đàn đương thời. Vì khi một tế lễ không có sự giết chóc, không có người bị tổn thương chính là thể hiện tính từ bi, bình đẳng tôn trọng mạng sống của nhau. Và đây cũng nói lên tinh thần bình đẳng của đức Phật không giới hạn ở loài người mà còn lan tỏa khắp chúng sinh vạn loại. Tất cả chúng sinh đều có quyền được sống như nhau. Chúng vẫn khát khao được sống. Vì thế không thể làm tổn hại chúng để mình được lợi lạc.
Các lễ tế đàn mà Phật cho là đúng pháp, nếu ai thực hành theo sẽ được lợi ích cho chính bản thân họ và lợi ích cho những chúng sinh không phải chết vì các tế đàn vô nghĩa. Nếu vì sức khỏe, hay vì một lợi ích nào đó cho bản thân gia đình mà giết hại sinh vật khác để cúng tế thì mất đi ý nghĩa bình đẳng về quyền được sống giữa chúng sinh với nhau. Còn về mặt đạo đức tâm linh, giết đi một sinh mạng để cầu mong sự an lành cho sinh mạng khác là đều không thể, đôi khi còn mang kết quả ngược lại. Như vậy, tế lễ mà Phật muốn nói đến là tế lễ mà mọi người khi tham dự đều được hạnh phúc, an lạc.
Phật bảo Ưu-ba-ca: “Nếu có đại hội tế lễ nào mà cột trói cả bầy nghé, trâu đực, trâu cái, những con dê và những chúng sinh nhỏ bé khác, tất cả đều bị sát hại, hành hạ áp bức những kẻ nô tỳ, người làm công, đánh đập bằng chịu roi vọt, làm cho sợ hãi, buồn khổ, khóc la, kêu gào, không hoan hỷ, không sướng, lao dịch khổ nhọc. Những đại hội tế lễ như vậy, Ta không khen ngợi, vì chúng gây nên tai nạn lớn. “Nếu những đại hội tế lễ mà không trói cột các súc vật, cho đến không khiến chúng sinh phải lao dịch khổ nhọc, những đại hội tế lễ như vậy được Ta khen ngợi tán thán, vì nó không mang lại tai nạn lớn”[5]. Như vậy tế đàn nào không mang tai nạn lớn đối với chúng sinh thì đức Phật đều tán thán.
Nếu tế đàn không đúng cách thì đôi khi không được phước mà còn chuốc lấy tai họa. Đức Phật đã nêu ra tế đàn gây ra tai họa lớn. Đức Phật bảo Bà-la-môn: Có một thứ đại tế đàn, tuy người chủ thực hành việc bố thí làm phước nhưng lại sinh ra tội, gặt hái quả báo bất thiện, bị đâm chém bởi ba thứ đao kiếm. Ba loại ấy là: đao kiếm bởi thân, đao kiếm bởi miệng, đao kiếm bởi ý [6].
Một người chủ tổ chức đại hội tế lễ khởi lên suy nghĩ phải giết nhiều con trâu mạnh khỏe, các sinh vật nhỏ thì đây chính là ý đao kiếm sinh ra quả báo khổ. Chỉ cần một niệm bất thiện, một niệm muốn giết hại khởi lên trong tâm cũng đã mang tội. Vì ý thức chủ động tạo tác mọi vấn đề trong cuộc sống, tốt hoặc xấu đều do nó. Ngoài ý thức ra thì con người không có một vật gì để chủ động điều khiển thiện hay ác pháp được. Nếu chúng ta khéo điều phục tâm thì sẽ giúp chúng ta thoát khổ não, nếu để nó buông lung dẫn dắt chúng ta đi theo con đường sai trái, thì chắc chắn cuộc đời sẽ đen tối và sự đau khổ triền miên bất tận. Từ suy nghĩ dẫn đến hành động, do vậy muốn không có những hành động sai quấy thì phải ngăn chặn từ trong suy nghĩ.
Miệng đao kiếm cũng sinh ra quả báo khổ. Người chủ đàn ra lệnh cho người khác giết các sinh vật để tế lễ. Miệng của mình đã thốt lên những lời nói khiến người khác phải tuân theo, làm theo ý muốn của ta. Nhưng những sai khiến đó khiến các sinh linh phải đầu rơi máu chảy, đau đớn quằn quại. Đây chính là miệng đao kiếm. Nếu chúng ta làm như vậy thì chỉ hưởng quả báo khổ, luân hồi, mãi trôi lăn trong luân hồi lục đạo mà thôi.
Thân đao kiếm cũng dẫn đến quả báo khổ. Không dừng lại ở ý, khẩu người chủ đàn lại tự tay giết hại nhiều sinh vật từ lớn cho đến nhỏ. Vậy người chủ tế đàn tuy khởi tâm muốn làm tế đàn nhưng tội cộng thêm tội. không được lợi lạc gì cho bản thân cũng như tha nhân. Tuy nghĩ đến bố thí cúng dường nhưng thật ra lại sinh ra thêm tội lỗi.
3. Liên hệ đến thực trạng xã hội ngày nay
Con người ngày này đã có một sự hiểu biết cũng như phân định rõ ràng hơn. Nên những việc tế đàn bằng đâm chém bầy đàn đã không còn. Nói đúng hơn là đã bị xã hội lên tiếng. Vì hành động đó bị xem quá tàn ác. Ví như tập tục chém trâu của người Cơ Tu. Người dân tộc Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn quan niệm mỗi khi trong gia đình có người đau ốm, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh… là do trời, thần linh nổi giận và họ phải tế lễ bằng nghi thức đâm trâu lấy máu cúng thì mới có thể tai qua nạn khỏi. Tập tục này hiện nay đã bị nghiêm cấm.
Nhưng hiện nay vẫn còn những phong tục tập quán như cúng đình miếu. Mức độ sát sinh bầy đàn để tế tuy không còn, nhưng sát sinh mức độ thấp để cúng tế ở các đình miếu vẫn còn ở nhiều vùng miền. Mỗi gia đình đến đúng ngày phải giết heo hoặc gà…để đem đến đình miếu dâng cúng. Tuy mức độ sát sinh hại vật có giảm, nhưng chúng ta cũng nên xem xét lại việc đó có cần thiết hay không?
Chúng ta cũng có thể làm tế lễ hay lập trai đàn chẩn tế, cúng nhưng phải làm đúng như pháp. Chúng ta có thể linh động về các phẩm vật hiến tế, nhưng căn bản phải dựa trên quan điểm không được phương hại hoặc gây đau khổ cho chúng sinh khi thực hiện các nghi thức tế tự. Liên hệ với thực tế, chúng ta có rất nhiều lễ hội, tiệc tùng mà phải giết hại rất nhiều gà vịt, heo bò để cúng và thiết đãi mọi người. Quả thật là không đúng với tinh thần của Phật giáo.
Đạo Phật không chủ trương nghi lễ quá rườm rà, mất thời gian và tiền bạc. Áp dụng theo tinh thần của Phật giáo, chúng ta nên hướng tâm mình để vững tâm khi đối diện với hoàn cảnh khổ đau, bất an, chia ly cách biệt và cố gắng tạo nhiều thiện pháp để hồi hướng đến tất cả chúng sinh muôn loài.
Đức Phật dạy chúng ta là chủ nhân của nghiệp, kẻ thừa tự nghiệp. Mình làm mình chịu, vấn đề cầu tha lực bên ngoài để mình giảm bớt tội chắc chắn là không thể. Không ai có thể gánh thế ai. Chính vì thế chúng ta phải sống tốt ngay hiện tại, tu tập tinh tấn, gieo các thiện duyên. Làm như thế thì mới gặt hái được quả báo thiện lành. Khi lâm chung cũng hướng theo những tập quán nghiệp mình đã tạo. Không phải chờ một ai cứu vớt mình. Có chăng đi nữa là chỉ trợ duyên thêm mà thôi. Ví như cây non mình muốn như thế nào thì nó sẽ như thế. Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu[7].
Người phật tử phải tự mình nhận thức rằng, một khi đã tạo nghiệp ác, dù có van xin, chúng ta cũng phải là người gặt hái kết quả đau khổ của nó. Không ai có thể đánh đổ quy luật muôn đời này. Đức Phật đã xác định như thế nếu ai làm các nghiệp ác, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu khẩn van xin, thành kính mong rằng người ấy sẽ được sinh thiện thú. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Làm các nghiệp ác phải rơi vào đọa xứ. Ví như có một người quăng tảng đá vào hồ nước, rồi nhiều người đến cầu khẩn van xin cho tảng đá ấy được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu khẩn [8].
Kết luận
Ở đây lời của đức Phật nhằm xác quyết rằng hành vi ác và bất thiện là nguyên nhân gây ra các hậu quả khổ đau, mà người đã tạo ra nó phải gánh chịu trong đời của mình, dù hiện tại hay về sau. Luật nhân quả là vị thẩm phán công tâm nhất. Do đó, đừng bao giờ chờ đến khi chết mới cầu mong cầu siêu giải độ, mà tự mình ngay lúc còn sống, hãy biết tạo thiện, tích đức để làm hành trang cho tương lai. Và cũng đừng mong ai đó cứu độ mình lên thiên giới mà hãy tự mình cứu mình, tự mình làm cho mình một con đường đến thiên giới thật vững chắc từ chính ngay trong kiếp sống này.
Đúc kết lại những vấn đề về nghi lễ trong Phật giáo, qua những gì tìm hiểu từ kinh văn đã trích dẫn, chúng ta có thể nhận định rằng mục tiêu của đạo Phật là hướng đến an lạc, diệt trừ mọi ái chấp và phá bỏ mọi nghi thức rườm rà của cúng tế, lễ bái. Những hình thức lễ nghi tuy không quan trọng nhưng cũng là một cách để người con Phật sống hòa mình vào Phật giáo với những nghi thức phù hợp. Do vậy, mình phải tự lựa chọn con đường đi đúng nhất, nhanh nhất để tự mình đi chứ đừng mong chờ ở một tha lực nào.
Tác giả: Thích nữ Hạnh Từ
Học viên Thạc sĩ Phật học K.5, Học viện PGVN tại TP.HCM
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch(2005), Kinh Tăng Nhất A-Hàm – Tập III, LII. Phẩm Đại Ái Đạo Nhập Niết-Bàn, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 624.
[2] Kinh Tăng Chi Bộ , Thích Minh Châu(2015) – Tập I, IV. Phẩm Bánh Xe, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.383.
[3] Thích Chơn Thiện(2009), Phật Học Khái Luận, Chương Ba: Tăng Bảo. Tiết I: Đời Sống Của Chư Tăng, Phương Đông, TP. HCM, tr. 463.
[4] Thích Tịnh Hạnh(2000), Đại Tập 7 – Bộ A-Hàm VII – Kinh Tạp A-Hàm Số 3, Biệt Dịch Kinh Tạp A- hàm- Quyển V, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.387.
[5] Thích Thiện Siêu-Thích Thanh Từ dịch, Kinh Tạp A-hàm Q1, VNCPHVN ấn hành, tr.185.
[6] Thích Thiện Siêu -Thích Thanh Từ dịch, Kinh Tạp A-hàm Q1, VNCPHVN ấn hành, tr.198.
[7] Trung Bộ Kinh, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt,tr.203.
[8] Tương Ưng Bộ Kinh, Thiên sáu uẩn, Tương Ưng Thôn Trưởng, kinh Người Đất Phương Tây Hay Người Đã Chết, tr. 311.