Trong số các thiết bị quân sự đang được đơn vị sửa chữa của Quân đội Nga ở Zaporozhye khôi phục, báo chí chú ý đến một chiếc xe tăng T-72 có vẻ ngoài khác hẳn so với những phiên bản cũ đang phục vụ lực lượng vũ trang Ukraine.
Các binh sĩ Nga của Quân khu phía Nam đã sử dụng lại chiếc T-72AMT do Nhà máy Thiết giáp Kyiv sản xuất. Tổng cộng chỉ có hơn 30 chiếc T-72AMT xuất xưởng, hầu hết đã bị phá hủy hoặc bắt giữ. Một trong số chúng được trưng bày trong công viên Patriot gần Moskva.
Bề ngoài của T-72AMT được phân biệt bởi sự hiện diện của giáp phản ứng nổ Nozh trên tháp pháo và phần trước thân. Ngoài ra các tấm diềm cao su cũng được sử dụng, khiến xe tăng trông giống như T-80U với động cơ turbine khí.
Ngoài ra xe tăng T-72AMT đã nhận được thiết bị liên lạc mới do nước ngoài sản xuất, kính nhìn ban đêm tiên tiến hơn cho người lái và chỉ huy. Tuy nhiên, trên kính ngắm ảnh nhiệt cho xạ thủ, rõ ràng Ukraine đã quyết định tiết kiệm tiền.
T-72AMT chỉ được tích hợp kính ngắm 1K13-49 Neman, cho phép phóng tên lửa có điều khiển Combat qua nòng pháo 125 mm. Tuy nhiên không có dữ liệu nào về việc Ukraine sử dụng rộng rãi các loại vũ khí chính xác cao như vậy.
Các bệ súng máy phòng không điều khiển bắn từ bên trong xe đã được lắp đặt trên một số xe tăng, nhưng hầu hết các khẩu 12,7 mm NSVT Utes của T-72AMT vẫn phải bắn thủ công.
Công suất động cơ của T-72AMT chỉ là 840 mã lực, tốc độ tối đa trên đường cao tốc đạt 60 km/h. Tất nhiên những chiếc xe tăng như vậy vượt trội T-72M1 đến từ Ba Lan và các nước Đông Âu khác, nhưng chúng kém đáng kể so với T-72B3 và T-80BVM của Nga.
Ngoài xe tăng T-72AMT, lực lượng vũ trang Ukraine còn mất thêm một vũ khí "hàng hiếm" khác, đó là tổ hợp cối tự hành bánh lốp 120 mm Bars-8MMK. Kể từ năm 2016, chỉ có 6 hệ thống chiến đấu như vậy được sản xuất.
Những phát triển của Tây Ban Nha với hệ thống súng cối Alakran UKR-MMS đã được Ukraine học hỏi.
Tổ hợp cối tự hành Bars-8MMK được các nhà máy sản xuất vũ khí tại Ukraine tạo ra bằng cách sử dụng khung gầm xe bọc thép Bars-8.
Xe chiến đấu được tích hợp hệ thống điều khiển tự động và kiểm soát hỏa lực tiên tiến, khiến tính năng của nó không thua kém, thậm chí còn trội hơn nhiều vũ khí cùng loại của phương Tây.
Tổ hợp vũ khí này có thể di chuyển một cách nhanh chóng tới khu vực tác xạ, hệ thống máy tính kiểm soát hỏa lực của nó cho phép định vị, chuẩn bị bắn trong thời gian vỏn vẹn 1 phút
Hệ thống chỉ cần khoảng 20 giây để rời vị trí sau khi tác xạ nhằm tránh các biện pháp đáp trả của đối phương, đây có lẽ là nguyên nhân giải thích vì sao phương tiện chiến đấu này rất khó bị phá hủy, thực tế thiệt hại đối với vũ khí trên rất thấp.
Một đặc điểm thiết kế cũng cần được nói tới chính là khả năng tự vận chuyển đạn cối 120 mm bên trong thân xe, với số lượng lên tới 60 quả, cung cấp khả năng bắn lâu dài.
Tầm bắn tối đa của đạn 120 mm lên tới 7.200 m, tốc độ bắn 12 phát/phút. Khung xe cơ sở được lắp động cơ diesel 350 mã lực, cho tốc độ tối đa 120 km/h, kíp chiến đấu 3 người. Trọng lượng toàn hệ thống đạt 12.000 kg.
Bạch Dương