Quận Hoàn Kiếm gắn biển công trình đình Hà Vĩ

Sáng 8/6, quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ gắn biển công trình đình Hà Vĩ chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).

Tham dự buổi lễ có Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh; Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long...

Đoàn lãnh đạo quận Hoàn Kiếm dâng hương tại đình Hà Vĩ

Đoàn lãnh đạo quận Hoàn Kiếm dâng hương tại đình Hà Vĩ

Đình Hà Vĩ ở số 11 phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư (1470 - 1540), người làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Đình đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật. Đình Hà Vĩ có diện tích 202,3 m2. Mặc dù quy mô không lớn, nhưng đình lại có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu của một ngôi đình tổ nghề trong khu phố cổ.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình đình Hà Vĩ

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình đình Hà Vĩ

Trải qua thời gian dài tồn tại với những biến cố thăng trầm của lịch sử, của thời tiết khí hậu khắc nghiệt và tác động của con người, đình Hà Vĩ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Khuôn viên di tích thu hẹp, các công trình phần lớn bị tháo dỡ, phá hủy. Nhiều đồ thờ và đồ tế tự có giá trị trong đình hầu hết bị hư hại và thất lạc.

Trong những năm vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm luôn đặc biệt quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch. Các công trình đã xếp hạng được tập trung giải phóng mặt bằng và trùng tu. Quận đã dành nguồn vốn lớn từ ngân sách và kêu gọi xã hội hóa trùng tu các di tích.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác thực hiện dự án

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác thực hiện dự án

Diện mạo mới của đình Hà Vĩ sau khi tu bổ, tôn tạo.

Diện mạo mới của đình Hà Vĩ sau khi tu bổ, tôn tạo.

 Đình Hà Vĩ có giá trị kiến trúc cao, nghệ thuật được thể hiện qua lối kiến trúc độc đáo, vẻ đẹp tự thân của các cấu kiện gỗ cùng sự kết hợp tinh tế các thành phần trang trí với cách bố cục và đề tài cân đối hợp lý.

Đình Hà Vĩ có giá trị kiến trúc cao, nghệ thuật được thể hiện qua lối kiến trúc độc đáo, vẻ đẹp tự thân của các cấu kiện gỗ cùng sự kết hợp tinh tế các thành phần trang trí với cách bố cục và đề tài cân đối hợp lý.

Hình ảnh bên trong đình Hà Vĩ

Hình ảnh bên trong đình Hà Vĩ

Dự án tu bổ, tôn tạo đình Hà Vĩ hoàn thành đã mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thông qua hoạt động tham quan, tế lễ, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân những giá trị lịch sử, văn hóa góp phần nâng cao dân trí, truyền thống văn hóa.

Công trình còn ở một vị trí ngay trong lòng khu phố cổ Hà Nội nơi buôn bán sầm uất nhất của kinh thành Thăng Long xưa – Hà Nội ngày nay. Việc bảo tồn được một di tích như đình Hà Vĩ – một công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống sẽ góp phần tô điểm thêm sắc màu kiến trúc và làm tăng thêm giá trị cho khu vực phố cổ Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Hoàn – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, việc tu bổ đình Hà Vĩ đã hoàn thành và được quận lựa chọn là công trình chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây là công trình rất có ý nghĩa nhằm lưu giữ di sản cho thế hệ mai sau, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; đồng thời, trở thành điểm tham quan, giới thiệu với du khách khi đến thăm Thủ đô Hà Nội”.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại buổi lễ.

Khoảng giữa thế kỷ XIX, một số người dân thôn Hà Vĩ đã lên Thăng Long, lập nghiệp ở thôn Cổ Vũ Thượng. Họ mang theo nghề truyền thống của quê hương mình là làm đồ gỗ phủ sơn ta.

Thôn Hà Vĩ xưa thuộc tổng Tín Yên, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Vì vậy khoảng đầu thế kỷ XX, cư dân phố Hàng Hòm đa số là dân làng Hà Vĩ, Thường Tín, rồi sau thêm cả dân đến từ làng Đa Sĩ, Thanh Oai.

Họ sản xuất và bán đồ gỗ sơn, chủ yếu gồm hòm đựng quần áo và tráp đựng giấy bút, cái tên Hàng Hòm cũng từ hoạt động nơi đây mà thành. Sau khi lập thành phố nghề, người dân Hà Vĩ đã lập ngôi đình mang tên quê hương mình, để thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Nhân dân, du khách... thắp hương tưởng nhớ tưởng nhớ ông tổ nghề sơn Trần Lư

Nhân dân, du khách... thắp hương tưởng nhớ tưởng nhớ ông tổ nghề sơn Trần Lư

Huy Hoàng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-hoan-kiem-gan-bien-cong-trinh-dinh-ha-vi.html