Quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu

Xăng, dầu là mặt hàng có tầm quan trọng và tác động lớn tới sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Do đó, các ngành chức năng tăng cường quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu, vừa bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước (NSNN), vừa tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Những năm qua, số lượng các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh có sự phát triển khá nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cải thiện điều kiện sống của Nhân dân, nhất là tại các vùng nông thôn, xa trung tâm huyện, thị xã, thành phố. Tính đến hết tháng 7.2022, trên địa bàn tỉnh có 143 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu với hệ thống 194 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu đang hoạt động, 796 cột bơm xăng, dầu.

Một cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn phường An Tảo (thành phố Hưng Yên)

Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu trong nước liên tục biến động theo xu hướng của thị trường thế giới, trước bối cảnh này, Cục Quản lý thị trường tỉnh kết hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh xăng, dầu. Cùng với đó, kiểm tra việc chấp hành các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đăng ký thời gian bán hàng; kiểm tra hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh xăng, dầu; kiểm tra về hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ xăng, dầu, quy định về đo lường trong kinh doanh xăng, dầu; kiểm tra việc chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ…

Qua công tác quản lý địa bàn, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh ghi nhận, các cửa hàng xăng, dầu vẫn hoạt động kinh doanh bình thường, đầy đủ các mặt hàng xăng, dầu, cơ bản bảo đảm các quy định. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra 81 cơ sở kinh doanh xăng, dầu. Qua đó, phát hiện, xử lý 19 vụ vi phạm, phạt hành chính số tiền 145,5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm là: Tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời hạn bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh xăng, dầu; không ghi rõ thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định; ngừng bán hàng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường và Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dán tem niêm phong công tơ tổng, đạt 100% số cột bơm cần phải dán tem. Việc dán tem niêm phong giúp quản lý chặt chẽ số lượng xăng, dầu tiêu thụ và doanh thu bán ra tại các cửa hàng bán lẻ và các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu; ngăn chặn và đẩy lùi việc kinh doanh xăng, dầu nhập lậu, trôi nổi, không bảo đảm chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn.

Dựa trên số liệu tại biên bản chốt chỉ số công tơ các tháng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên toàn tỉnh là 146 triệu lít, tăng 14,29% so với cùng kỳ; tổng doanh thu xăng, dầu bán ra là 3.492,2 tỷ đồng, tăng 87,53% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ là do giá xăng, dầu trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với năm 2021. Tổng số thuế nộp NSNN từ kinh doanh xăng, dầu lũy kế 6 tháng đầu năm là 227,8 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ. Số thuế nộp giảm so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường do thực hiện Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23.3.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số doanh nghiệp phát sinh số nộp NSNN vẫn còn ít. Trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 6.2022, trong tổng số 143 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đang hoạt động thì chỉ có 78 doanh nghiệp phát sinh số nộp. Trong đó, chỉ có 31 doanh nghiệp có số nộp từ 50 triệu đồng trở lên.

Xăng, dầu là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, được quản lý rất chặt chẽ. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý kinh doanh xăng, dầu, Cục Quản lý thị trường tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu góp phần ổn định thị trường, bảo đảm an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác quản lý thuế từ hoạt động kinh doanh xăng, dầu, Cục Thuế tỉnh cần phân tích, tổng hợp tất cả các vướng mắc phát sinh, kịp thời báo cáo với Ban Chỉ đạo chống thất thu thuế tỉnh để bàn giải pháp khắc phục những bất cập, tăng nguồn thu vào NSNN. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm chốt chỉ số công tơ tổng, làm căn cứ kiểm tra, giám sát việc kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu đang được phân công theo dõi, quản lý; kịp thời cử cán bộ thuế dán tem niêm phong công tơ tổng đối với những cột đo xăng, dầu mới phát sinh hoặc các cơ sở kinh doanh xăng, dầu có tem niêm phong bị rách, hỏng. Tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu có dấu hiệu rủi ro cao để báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo chống thất thu thuế tỉnh, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện những vi phạm về chất lượng, tiêu chuẩn, đo lường, hành vi đầu cơ găm hàng, chờ điều chỉnh giá, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Minh Nghĩa

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202208/quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-xang-dau-c744ee5/