Quản lý kinh doanh xăng dầu: Trách nhiệm các bộ, ngành được quy định thế nào

Trách nhiệm quản lý kinh doanh xăng dầu của các bộ, ngành, địa phương đã được quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và tiếp đó là tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP.

Thị trường xăng dầu có sự tham gia quản lý của 5 Bộ

Đây là hai văn bản về trách nhiệm quản lý về kinh doanh xăng dầu được xem là có hiệu lực cao nhất và cả hai đều đang còn có hiệu lực. Trong đó Nghị định 84 đã có hiệu lực từ 1/11/2014 và Nghị định 95 ra đời và có hiệu lực từ 1/1/2022 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84.

Tại các nghị định nói trên, thị trường xăng dầu trong nước và hoạt động kinh doanh xăng dầu được Chính phủ giao cho 5 Bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường cùng Ban Chỉ đạo 389 và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Với Bộ Công Thương, Chính phủ giao 6 nhiệm vụ: (i) Kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu tuân thủ các điều kiện về hoạt động xăng dầu; Hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; (ii) hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; (iii) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; (iv) phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng yêu cầu xăng dầu trên địa bàn; (v) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đưa nhiên liệu sinh hoạt lưu thông trên thị trường trong nước, theo lộ trình quy định của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách, cơ chế về giá, thuế, phí, cơ chế tài chính khác để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh hoạt, bảo đảm nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; (vi) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu (trên bộ, trên mặt nước), quy định thực hiện thống nhất trong cả nước.

Bộ Công Thương luôn bảo đảm ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước

Bộ Công Thương luôn bảo đảm ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước

Với Bộ Tài chính có các nhiệm vụ do Chính phủ quy định: (i) chủ trì, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định về các loại thuế, phí có liên quan; (ii) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở, hướng dẫn việc quản lý, trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; kiểm tra giám sát việc thực hiện chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức; (iii) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan hướng dẫn việc sử dụng các công cụ tài chính phù hợp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, bảo đảm nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đáng chú ý, tại Khoản 28 Điều 1, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP), chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng, premium trong nước… do Bộ Tài chính rà soát, xác định (trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối) và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở). Các chi phí này được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh định kỳ 6 tháng (trừ trường hợp có biến động bất thường).

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ được Chính phủ giao các nhiệm vụ: (i) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quản lý, kiểm tra kiểm soát đo lường, chất lượng xăng dầu sản xuất pha chế, nhập khẩu lưu thông trên thị trường; (ii) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo lường, chất lượng xăng dầu, quy định thực hiện thống nhất trong cả nước; (iii) hướng dẫn việc sử dụng phụ gia không thông dụng để pha chế xăng dầu; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quả lý năng lực phòng thí nghiệm; (iv) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý về đo lường, chất lượng của thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Cơ quan bộ thứ tư được giao nhiệm vụ với quản lý xăng dầu là Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan quy định tiêu chuẩn, điều kiện điểm đấu nối của hệ thống giao thông với hệ thống cơ sở kinh doanh xăng dầu quy định vùng nước hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước.

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ có trách nhiệm: (i) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh xăng; (ii) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu; (iii) chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Ban Chỉ đạo 389 chủ trì, phối hợp công tác phòng chống buôn lậu trong lĩnh vực xăng dầu.

Trong khi đó, theo Nghị định 84 và Nghị định 95, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành tại địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu tại địa phương, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của luật hiện hành; giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý; quy định giờ bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu; quy định các trường hợp dừng bán hàng; quản lý thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Nỗ lực giải quyết vấn đề chi phí, tài chính để bảo đảm nguồn cung

Theo quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ở Nghị định 95, trong kết cấu về tính giá cơ sở có việc tách bạch khá kỹ phần nhập khẩu từ nước ngoài và kết cấu với các mặt hàng trong nước. Cần xem xét tính đúng, tính đủ các chi phí trong thời điểm hiện tại vào giá cơ sở để doanh nghiệp không bị lỗ, có điều kiện vay vốn để nhập hàng.

Cùng với việc rà soát lại chi phí, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị cần xem xét lại cho đúng việc định giá. Với việc định giá như thế này, vô hình chung, đây vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Doanh nghiệp trong Nghị định chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.

Đề nghị rà soát lại 1 Quyết định và 5 Nghị định liên quan đến xăng dầu. Cụ thể, Quyết định 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 về việc ban hành quy chế quản lý xăng dầu cho phép Nhà nước đưa ra giá định hướng đối với mặt hàng xăng cho phép doanh nghiệp điều chỉnh xăng +-1%, dầu +- 5%. Sau đó, năm 2007 đưa ra Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có nhiều chế tài hơn nhưng giá vẫn theo tư tưởng thị trường hóa, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh, xăng thả nổi và dầu bù lỗ. Đến năm 2009, ra Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu – đây là Nghị định tính toán kỹ và tương đối tiên tiến, đã đưa ra giá định hướng, doanh nghiệp được quyền tăng, giảm từ 7% - 13% và được quyền quyết định 60%, còn lại lấy từ Quỹ bình ổn”- Hiệp hội Xăng dầu nêu quan điểm.

Vẫn theo Hiệp hội, đến năm 2014 khi có Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, coi như giá cứng, doanh nghiệp không được quyền quyết định. Vô hình trung, xuyên suốt thị trường giai đoạn này là giá bình ổn. Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 83 cũng tương tự.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính nên rà soát tất cả chi phí, cùng Liên Bộ Công Thương – Tài chính đưa ra báo cáo đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần.

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng đề xuất ban hành một số chính sách nhất định, như giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4 và tiếp tục giảm từ 1/7. Và trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/10, Bộ Tài chính cũng rà soát căn cứ con số thực tế của doanh nghiệp. Với chi phí kinh doanh, một năm điều chỉnh 1 lần. Bộ Tài chính đã có thông báo điều chỉnh từ ngày 4/6 và áp dụng luôn từ ngày 1/7.

Ngoài ra, hiện nay mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao. Để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, có nhiều đề nghị với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp (mặc dù chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước đã được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh tăng và được áp dụng từ ngày 11/10/2022 trong giá cơ sở).

Về phía Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan ra soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh premium...

Bộ Công Thương vẫn đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp bị tước giấy phép hoặc tạm tước giấy phép.

Trong khi đó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 1039/CĐ-TTg (ngày 2/11/2022) của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.

Công điện nêu rõ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-kinh-doanh-xang-dau-trach-nhiem-cac-bo-nganh-duoc-quy-dinh-the-nao-225870.html