Quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả, nằm trong giới hạn cho phép

Ngày 24/12/2024, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, nợ công hiện nằm trong giới hạn cho phép.

Quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) cho biết, năm 2024 các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần được Quốc hội phê chuẩn, góp phần bồi đắp dư địa chính tài khóa.

Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2024, dư nợ công khoảng 36-37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21-22% thu ngân sách nhà nước.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2024 tiếp tục được cải thiện. Dư nợ trong nước tăng lên (chiếm khoảng 76% dư nợ Chính phủ), nợ nước ngoài giảm dần (chiếm khoảng 24% dư nợ Chính phủ), trong đó danh mục nợ nước ngoài chủ yếu là các khoản vay ODA, vay ưu đã đã ký có kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục được quản lý chặt chẽ, tỷ trọng giảm, từ mức 3,8% GDP năm 2021 xuống còn khoảng 2-3% GDP năm 2024.

Trong 2024, công tác quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả hơn. Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở quan trọng để tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả.

Theo bà Thảo, trong năm 2024, khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công tiếp tục được hoàn thiện. Cục QLN&TCĐN đã chủ động, tích cực chủ trì, tham gia với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ sửa đổi một số văn bản quan trọng. Tham mưu Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành các công cụ quản lý nợ chủ động; triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, công cụ quản lý nợ chủ động theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017.

Hội nghị đã thống nhất với chương trình công tác năm 2025. Ảnh: Đức Minh

Hội nghị đã thống nhất với chương trình công tác năm 2025. Ảnh: Đức Minh

Đề cập tới công tác huy động vốn nước ngoài, bà Thảo cho biết, tổng số các Hiệp định, Thỏa thuận vay nước ngoài mà đơn vị đã và đang triển khai đàm phán, ký kết đến 15/12/2024 là 11 Hiệp định vay với tổng giá trị khoảng 1.165 triệu USD, trong đó đã ký kết được 6 Hiệp định, Thỏa thuận vay với tổng trị giá ký kết khoảng 664 triệu USD trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ ngân sách chung; đã hoàn thành đàm phán và đang thực hiện các thủ tục trình duyệt để ký kết theo quy định của pháp luật 5 thỏa thuận vay với tổng trị giá khoảng 501 triệu USD.

Cũng trong năm 2024, công tác trả nợ nước ngoài được Cục QLN&TCĐN thực hiện kịp thời, đầy đủ và trong phạm vi dự toán được duyệt. Cục đã chỉ đạo thực hiện tốt việc tập trung nguồn thu của Quỹ Tích lũy trả nợ, bảo đảm thực hiện trả nợ nước ngoài. Các khoản chi từ Quỹ Tích lũy trả nợ luôn được thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định hiện hành.

Trong năm 2024, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia và công tác quảng bá với các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô - nợ công.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Đầu tư, Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Kho bạc Nhà nước, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ Tài chính đã cho ý kiến về công tác quản lý nợ công trong năm 2025, như: huy động vốn vay cho đầu tư phát triển; giải ngân vốn vay; khả năng hấp thụ nguồn vốn vay của nền kinh tế; công tác trả nợ; phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát…

Tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sau khi hợp nhất

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã xác định nhiệm vụ trọng tâm gồm 4 nhóm công việc chính: tiếp tục hoàn thiện chính sách chế độ về quản lý nợ công và quản lý nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài vào Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện và đổi mới khuôn khổ quản lý nợ và các công cụ quản lý nợ chủ động, kiểm soát thận trọng nợ công tạo dư địa cho chính sách tài khóa; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ huy động vốn và thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi cho phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục nghiên cứu hình thành cơ quan quản lý nợ công chuyên nghiệp, hiện đại theo thông lệ quốc tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nợ công.

Cục trưởng Trương Hùng Long chủ trì và điều hành hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Cục trưởng Trương Hùng Long chủ trì và điều hành hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Ông Trương Hùng Long khẳng định, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo bộ, cùng với sự chủ động, tích cực của tập thể cán bộ công chức Cục QLN&TCĐN công tác quản lý nợ công, quản lý vốn viện trợ, tài chính đối ngoại về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm, góp phần vào thành tích chung của ngành Tài chính.

Đề cập tới nhiệm vụ năm 2025, Cục trưởng Trương Hùng Long cho biết, trên cơ sở kết quả công tác đã đạt được năm 2024 và yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác quản lý nợ công và viện trợ, Cục trưởng Cục QLN&TCĐN đã ký Quyết định số 55/QĐ- QLN ban hành Chương trình công tác năm 2025 của Cục, chương trình công tác này sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ mới sau khi Đề án sáp nhập được cấp có thẩm quyền thông qua.

Trước mắt, đơn vị bám sát các mục tiêu, định hướng lớn, phân công, phận nhiệm chi tiết công việc đến từng bộ phận chuyên môn, cá nhân để triển khai nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác, gồm: chính sách, chế độ, kế hoạch; báo cáo, phổ biến thông tin, xếp hạng tín nhiệm quốc gia, quảng bá tới các nhà đầu tư; đàm phán, ký kết; giải ngân, cho vay lại…

Tại hội nghị, Cục trưởng Trương Hùng Long cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ và Bộ Tài chính, trong quý I/2025, đơn vị sẽ tập trung hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mới đảm bảo chất lượng, thời hạn./.

Đức Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-ly-no-cong-chat-che-hieu-qua-nam-trong-gioi-han-cho-phep-167158.html