Quản lý thuốc lá điện tử: Cần khung pháp lý đồng bộ
Tại tọa đàm mới đây về 'Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới' do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các chuyên gia một lần nữa cảnh báo tình trạng thuốc lá thế hệ mới nhập lậu tràn lan, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng, cũng như những khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát.
Quản lý minh bạch
Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan quản lý thị trường trên toàn quốc đã xử lý rất nhiều trường hợp thuốc lá điện tử nhập lậu. Theo đó, toàn lực lượng đã kiểm tra 728 vụ, xử lý 589 vụ vi phạm. Trong đó, xử lý trên 27.467 bao thuốc lá và tương đương, xử lý trên 4.392 sản phẩm các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3,1 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 1 vụ cho cơ quan Công an xử lý. Và rất nhiều các trường hợp tiêu thụ trái phép mà cơ quan quản lý thị trường chưa xử phạt được hết…
Theo các chuyên gia, nếu các sản phẩm này không được quản lý minh bạch, đồng bộ và đồng thời thì một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng sẽ tiếp tục tìm kiếm và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trôi nổi trên thị trường với chất lượng không đảm bảo, gây ra rất nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Ông Kiều Dương - Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) nhấn mạnh, cần đưa cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào một khung pháp lý cùng thời điểm, bao trùm từ quy định tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, các quy định về kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo, khuyến mại... Thay vì tiếp tục để ngỏ thị trường cho các sản phẩm lậu hoành hành và đẩy người tiêu dùng đến với các sản phẩm kém an toàn, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phải sớm được đưa vào diện quản lý nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân, hỗ trợ các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc thực thi chống thuốc lá lậu, giúp tăng nguồn thu ngân sách từ thuốc lá thế hệ mới.
Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng: Đứng trước nhu cầu tăng cao và thực trạng buôn lậu diễn ra như trên, chúng ta không thể tiếp tục buông lỏng quản lý mà cần có quy định cụ thể, giám sát rất cẩn thận để đảm bảo rằng các sản phẩm tuân thủ các quy chuẩn chất lượng. Vì vậy, theo ông Hải, Việt Nam nên khảo cứu các kinh nghiệm quốc tế để sớm đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào quản lý đồng bộ dưới cùng một khung pháp lý mà không cần bước thí điểm.
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ
Thời gian qua, bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng và các chuyên gia, các sản phẩm thuốc lá điện tử vẫn đang được quảng cáo, mua bán một cách phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng dù chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước. Đáng lo ngại hơn khi các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh, thanh niên.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24.
TS Nguyễn Hải Công - Chủ nhiệm Khoa lao và bệnh phổi (Bệnh viện Quân y 175) nêu thực trạng: Tất cả các loại thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, đáng nói các loại thuốc lá thế hệ mới chưa có hành lang pháp lý để kiểm soát từ khâu sản xuất, lưu thông, buôn bán cho tới sử dụng. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá từ năm 2012 có các quy định liên quan đến sản xuất kinh doanh mặt hàng thuốc lá nhưng chưa có quy định đối với các loại thuốc lá thế hệ mới.
Nguy cơ hơn nữa khi thuốc lá điện tử trên thị trường hiện nay không được kiểm soát chất lượng, nên những thông tin được in trên nhãn như thành phần hóa học, tỷ lệ hóa chất không được xác minh thực tế; cũng từ đó không có người chịu trách nhiệm sản phẩm. Chính vì vậy, khi xảy ra tình trạng ngộ độc, sốc thuốc thì cơ quan chức năng cũng không truy cứu được trách nhiệm và khó có căn cứ xử lý. Điều đặc biệt nguy hại là để nhằm dụ dỗ giới trẻ, các đối tượng buôn bán đã pha chế, trà trộn các chất độc hại, ma túy vào sản phẩm, và giới trẻ vô tình hoặc hữu ý, sử dụng ma túy dưới vỏ bọc hút thuốc lá điện tử.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường sức khỏe cho rằng: Về mặt chính sách, cần cập nhật các khái niệm về thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hoặc các sản phẩm có chứa nicotine trong các văn bản pháp luật về quản lý thuốc lá. Thúc đẩy các chính sách về quản lý quảng cáo, mua bán các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là qua các kênh phân phối trực tuyến. Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý, thực thi nghiêm minh các quy định xử phạt đối với trẻ vị thành niên sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào. Về giáo dục, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của nicotine đối với thể chất, não bộ, các tác hại tiêu cực đối với sức khỏe khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Ông Kiều Dương - Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng hiện nay, do hành lang pháp lý và thuế chưa được thiết lập cho thuốc lá thế hệ mới, tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam đều được nhập lậu, và tiêu thụ tràn lan trên thị trường “chợ đen”. Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan quản lý thị trường trong việc kiểm soát và xử phạt do không có cơ sở pháp lý rõ ràng.