Quản lý thương mại điện tử: Tạo điều kiện phát triển gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo xu hướng chung, hoạt động thương mại điện tử tại địa phương đã dần phổ biến và trở thành phương thức kinh doanh, mua bán hàng hóa thu hút nhiều đối tượng tham gia.

Cùng với cả nước, Bình Thuận luôn quan tâm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng và tận dụng lợi thế mà lĩnh vực này mang lại. Thông qua triển khai các giải pháp và thực hiện chính sách liên quan, địa phương cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tích cực tham gia. Nhờ vậy mà thời gian qua đã có hơn 110 website thương mại điện tử của các doanh nghiệp, cá nhân được xây dựng để thông tin về thương hiệu và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của đơn vị đến khách hàng.

Tập huấn nâng cao kiến thức về thương mại điện tử tại TP. Phan Thiết (Ảnh minh họa).

Tập huấn nâng cao kiến thức về thương mại điện tử tại TP. Phan Thiết (Ảnh minh họa).

Đối với Sàn thương mại điện tử ngành Công Thương (địa chỉ https: //sanphamdiaphuong.com.vn), sau khi nâng cấp đã được kết nối với Sàn thương mại điện tử quốc gia (https://sanviet.vn) để nâng cao hiệu quả khai thác của sàn. Đây được xem là kênh quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, đồng thời tăng nhận diện các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận. Được biết đến nay, trên Sàn thương mại điện tử ngành Công Thương có hàng chục gian hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đăng ký tham gia với gần 200 sản phẩm…

Tuy vậy trước tình hình chung, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử trên các nền tảng số cũng đặt ra những thách thức trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhất là với tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc quản lý thu thuế... dự báo còn diễn biến phức tạp. Thế nên việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết. Như trong năm qua, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã chủ động phối hợp một số sàn thương mại điện tử lớn (Lazada, Sendo, Hotdeal) rà soát, xác minh và xây dựng danh sách các cơ sở thuộc địa bàn quản lý có kinh doanh trên sàn để quản lý, triển khai tuyên truyền ký cam kết theo quy định. Riêng nửa đầu năm nay, lực lượng chức năng kiểm tra lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh và phát hiện 8/8 vụ vi phạm, bước đầu đã tiến hành xử lý 2 vụ vi phạm. Bao gồm hành vi: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng. Hay như sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Liên quan vấn đề này, Sở Công Thương cũng có văn bản gửi các sàn thương mại điện tử thu hút người tiêu dùng như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki… đề nghị gửi danh sách doanh nghiệp, thương nhân Bình Thuận đăng ký, giao dịch trên sàn để nắm bắt tình hình, phục vụ công tác quản lý. Cuối tháng 6/2024 vừa qua, ngành còn phối hợp Trung tâm Phát triển thương mại điện tử thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xúc tiến tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử. Từ đó cập nhật những kiến thức mới để áp dụng thực tế trong phòng chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên lĩnh vực thương mại điện tử. Hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh trên nền tảng trực tuyến tại địa phương phát triển bền vững, từng bước đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số ở địa phương.

Để hạn chế trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cũng lưu ý người tiêu dùng cần chủ động áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trong đó công nghệ QR Code (mã phản hồi nhanh) được coi là giải pháp hiệu quả không những hỗ trợ nhà sản xuất bảo vệ thương hiệu, quản lý lưu thông hàng hóa mà còn giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm hàng hóa trên thị trường…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/quan-ly-thuong-mai-dien-tu-tao-dieu-kien-phat-trien-gan-voi-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-120439.html