Quân Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ: Những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng

Nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp Ivan Cadeau nhìn nhận, trận Điện Biên Phủ thực sự là 'tấn bi kịch với những binh lính Pháp, những người trú ẩn trong căn hầm được đào sâu trong lòng các ngọn đồi được đặt tên theo những người phụ nữ, trải qua nhiều trạng thái đan xen, từ tin tưởng tuyệt đối đến ủ rũ, từ hy vọng đến tan vỡ ảo tưởng, cho đến một chung cuộc cuối cùng'. Điều đáng nói là, trước khi buộc phải chấp nhận 'chung cuộc cuối cùng' ấy, phía Pháp đã phải viện tới rất nhiều phương án giải nguy cho Điện Biên Phủ.

Khi vòng vây ngày càng siết chặt

Ngày 6-4-1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch của ta tổ chức hội nghị sơ kết đợt 2. Báo cáo kết luận của Đảng ủy mặt trận đã nhận định thắng lợi của ta là rất lớn. Quân ta đã tiêu diệt được 4 cứ điểm địch trên các điểm cao phía Đông. Đã tiêu diệt và bức hàng, bức rút hai vị trí ở phía Tây, đã thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch ở phía Tây và phía Bắc sân bay, đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng tinh nhuệ của địch.

 Quân Pháp nhảy dù tăng cường lực lượng xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 12-1953. Ảnh tư liệu

Quân Pháp nhảy dù tăng cường lực lượng xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 12-1953. Ảnh tư liệu

Trước đó một ngày, ngày 5/4/1954, De Castries gửi điện yêu cầu Tướng René Cogny- chỉ huy trưởng các lực lượng Lục quân Pháp tại miền Bắc Việt Nam tăng viện gấp cho Điện Biên Phủ cả lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, thậm chí cả binh lính.

Ngày 12/4/1954, chiếc máy bay thứ 50 của địch bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đến đêm ngày 21/4/1954, ở cả ba mặt, các đầu hào của bộ đội ta đều đã chạm gần hàng rào dây thép gai cuối cùng của cứ điểm 206. Các đơn vị đào trận địa được lệnh ngừng không đào nữa và tìm cách bí mật phá nốt hàng rào dây thép gai, tạo sẵn những cửa mở để khi có lệnh công kích là nhảy khỏi chiến hào xông ngay vào cứ điểm địch. Đến cuối tháng 4/1954, mặc cho quân địch phản ứng quyết liệt, điên cuồng, vòng vây của bộ đội ta xung quanh Mường Thanh, Hồng Cúm đã siết chặt lại.

Tướng De Castries đã phải nhận xét rằng, chính trong những ngày đó, quân ta đã làm cho binh lính dưới quyền chỉ huy của hắn ở vào tình thế không còn chịu đựng nổi và tập đoàn cứ điểm không thể không bị tiêu diệt.

 Lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cogny phải điện cho Navarre báo cáo: "Kết quả thả dù tiếp viện cho Điện Biên Phủ ngày 28, đêm 28, ngày 29, đêm 29 là số không. Chỉ có Hồng Cúm là nhận được 22 tấn". Trước thời điểm ta mở đợt tiến công thứ 3, De Castries gửi điện cho Cogny với nội dung "Điện Biên Phủ chỉ còn 275 viên đạn 155m, 140.000 viên đạn 105mm, 5.000 viên đạn cối 120mm" và yêu cầu phải tiếp tế khẩn cấp.

 Bộ đội ta chia thành nhiều mũi, thọc sâu tiêu diệt các cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Bộ đội ta chia thành nhiều mũi, thọc sâu tiêu diệt các cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Kế hoạch Vautour và sự cầu cứu người Mỹ

Thực ra, ngày 13-3 cách đây 70 năm về trước, quân đội ta nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm quân địch, mở màn 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ thì chỉ một tuần sau đó, ngày 20-3, đã rộ lên thông tin Tướng Paul Ely, tham mưu trưởng quân đội Pháp tới Washington để cầu cứu sự giúp đỡ của Mỹ.

 Tướng De Castries và toàn bộ chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng vào chiều 7-5-1954 - Ảnh tư liệu

Tướng De Castries và toàn bộ chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng vào chiều 7-5-1954 - Ảnh tư liệu

Trước đó, ngay từ năm 1953, với tình thế quân sự bi đát ở Đông Dương, Pháp đã phải cầu cứu tới sự viện trợ về nhiều mặt từ Mỹ. Tháng 9-1953 chính quyền Mỹ đồng ý viện trợ quân sự thêm cho Pháp 385 triệu đô la Mỹ.

Sau đó, từ đề nghị của Pháp, Mỹ cũng đã có nhiều đợt viện trợ từ máy bay đến phi công, lính kỹ thuật không quân cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Giữa tháng 3-1954, khi tình hình chiến sự bi đát, Chính phủ Mỹ giúp Pháp lập "cầu hàng không" từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ tiếp tế cho cứ điểm này.

Tháng 4-1954, khi Điện Biên Phủ có nguy cơ thất thủ, Pháp lại cầu cứu Mỹ giải cứu Điện Biên Phủ.

Đô đốc Arthur W.Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, được giao soạn thảo kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam. Bản kế hoạch tuyệt mật này có tên gọi "Chiến dịch Kền kền" (Operation Vulture). Theo đó, Mỹ sẽ dùng 60 máy bay ném bom hạng nặng B-29 Superfort (mỗi chiếc có thể chở 8 tấn bom) cất cánh từ căn cứ không quân Clark Field ở Philippines để ném bom rải thảm, mỗi đợt khoảng 450 tấn bom, xuống các vị trí của bộ đội Việt Nam ở Điện Biên Phủ, đồng thời dùng 150 máy bay chiến đấu (từ các hàng không mẫu hạm của Hạm đội số 7 hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ) để hộ tống các máy bay ném bom nói trên…

Tuy vậy, ngay trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ có sự bất đồng nên Chiến dịch Kền kền không được thông qua. Tới nửa cuối tháng 4, khi tình thế ở Điện Biên Phủ lâm vào trạng thái hiểm nghèo, Pháp một lần nữa khẩn thiết cậy nhờ Mỹ can thiệp quân sự khẩn cấp bằng không quân ại Điện Biên Phủ và rằng, việc Mỹ can thiệp bằng không quân vào mặt trận Điện Biên Phủ là lựa chọn duy nhất khả dĩ để cứu cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, một lần nữa, lời cầu cứu của Pháp không được Quốc hội Mỹ chấp thuận, Tổng thống Eisenhower cũng không thể làm gì hơn.

 Binh sĩ Pháp lũ lượt ra hàng sau thất bại tại Điện Biên Phủ. Ảnh: AFP

Binh sĩ Pháp lũ lượt ra hàng sau thất bại tại Điện Biên Phủ. Ảnh: AFP

Sức cùng lực kiệt, bị siết chặt bao vây và không còn cơ hội được giải cứu, số phận cứ điểm Điện Biên Phủ đã được định đoạt. Quân Pháp tại Điện Biên Phủ sau đó đã phải đầu hàng vào ngày 7/5. “Sự kiêu ngạo và thiếu năng lực của họ trong trận chiến kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5/1954 đã dẫn tới thất bại hoàn toàn của Pháp trong chiến tranh Đông Dương, đem lại chiến thắng cho Việt Minh và độc lập cho Việt Nam”, trang mạng War History Online nhấn mạnh.

HA

Trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, các tướng lĩnh Pháp khen ngợi hết lời tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và mệnh danh đây là "con nhím" lợi hại với những công sự bê tông kiên cố, tua tủa mọc ra bốn hướng. Tại nơi lòng chảo Mường Thanh, thực dân Pháp bố trí 16.200 quân với 21 tiểu đoàn thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam, gồm 49 cứ điểm hỗ trợ nhau, vòng trong, vòng ngoài. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần máy bay lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch. Coi Điện Biên Phủ là "cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh", tướng Cogny huyênh hoang nói: "Chúng ta đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét sạch đối phương đông gấp 4-6 lần…". Tướng Navarre nhận xét: "Họ mà xuống là chết với chúng ta...". Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon (sau này trở thành Tổng thống) đã lên thị sát việc xây dựng cụm cứ điểm để "đảm bảo cho khoản đầu tư của Mỹ ở Đông Dương được sử dụng hiệu quả", cũng rất hài lòng, không có một ý kiến nào phê phán.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quan-phap-tai-cu-diem-dien-bien-phu-nhung-no-luc-tuyet-vong-cuoi-cung-post294176.html