Quân sự thế giới hôm nay (12-4): Triều Tiên đẩy mạnh các chương trình tên lửa và hạt nhân

Quân sự thế giới hôm nay (12-4) có những nội dung sau: Anh triển khai tàu sân bay HMS Prince of Wales; Mỹ chấp thuận bán tên lửa AIM-120 cho Australia; Triều Tiên đẩy mạnh các chương trình tên lửa và hạt nhân.

* Anh triển khai tàu sân bay HMS Prince of Wales

Bộ Quốc phòng Anh mới đây vừa thông báo tàu sân bay HMS Prince of Wales (R09) sẽ khởi hành từ Portsmouth ngày 22-4, dẫn đầu Nhóm tác chiến tàu sân bay năm 2025. Nhiệm vụ sẽ bao gồm một loạt các cuộc tập trận ở Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Được đặt tên là Chiến dịch Highmast, đợt triển khai này nhằm mục đích tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh NATO và các đối tác trong khu vực thông qua việc triển khai một lực lượng chung bao gồm tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay và tàu hỗ trợ hậu cần.

 HMS Prince of Wales là một trong hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth đóng vai trò là xương sống của không quân hải quân Anh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

HMS Prince of Wales là một trong hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth đóng vai trò là xương sống của không quân hải quân Anh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

HMS Prince of Wales là một trong hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth đóng vai trò là xương sống của không quân hải quân Anh. Được chế tạo để phục vụ trong thời gian lên đến 50 năm, đây là một trong những tàu chiến mặt nước có năng lực nhất từng được chế tạo tại Anh. Tàu sở hữu tính linh hoạt đáng kể, với thủy thủ đoàn khoảng 700 người, có thể tăng lên 1.600 người khi đầy đủ phi đội trên tàu. Boong bay của tàu rộng 70m và dài 280m, có sức chứa tới 36 máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng F-35B Lightning II cùng 4 trực thăng Merlin. Kho dự trữ cung cấp cho tàu khả năng hoạt động liên tục trong 45 ngày.

Chiến dịch Highmast là một minh chứng mới về khả năng của Anh trong việc tiến hành các hoạt động không quân-hải quân tầm xa hợp tác với các đồng minh. Chiến dịch này phù hợp với các mục tiêu chiến lược nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội Anh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh an ninh khu vực đang thay đổi và sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào hợp tác quốc phòng đa phương.

* Mỹ chấp thuận bán tên lửa AIM-120 cho Australia

Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận bán một lô lớn tên lửa không đối không tầm trung AIM-120, ước tính trị giá 1,04 tỷ USD, cho Australia. Thỏa thuận này, bao gồm hai biến thể tiên tiến của tên lửa AMRAAM, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của hợp tác phòng không song phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 AIM-120 là tên lửa không đối không chiến thuật tầm trung được trang bị hệ thống dẫn đường radar chủ động. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

AIM-120 là tên lửa không đối không chiến thuật tầm trung được trang bị hệ thống dẫn đường radar chủ động. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Cụ thể, Australia đã chính thức yêu cầu mua 200 tên lửa AIM-120C-8 và 200 tên lửa AIM-120D-3, cả hai đều thuộc họ AMRAAM (tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến) do nhà thầu quốc phòng Mỹ RTX Corporation phát triển. Ngoài tên lửa, gói hàng còn bao gồm thùng chứa AMRAAM, thiết bị hỗ trợ, phụ tùng thay thế, vật tư tiêu hao, phụ kiện, hỗ trợ bảo dưỡng, phần mềm phân loại và tài liệu liên quan, ấn phẩm kỹ thuật, hỗ trợ vận chuyển, nghiên cứu và khảo sát, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần.

AIM-120 là tên lửa không đối không chiến thuật tầm trung được trang bị dẫn đường radar chủ động và có khả năng sử dụng trong tác chiến đất đối không. Tên lửa này được thiết kế để thay thế AIM-7 Sparrow và tích hợp với nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại. AIM-120 có chiều dài 3,65m, nặng 150-160kg tùy thuộc vào biến thể và có thể đạt tốc độ siêu thanh gần Mach 4 với động cơ tên lửa nhiên liệu rắn. Hệ thống dẫn đường của tên lửa kết hợp dẫn đường quán tính giữa hành trình bay và dẫn đường radar chủ động ở giai đoạn cuối, cung cấp khả năng "bắn và quên" và cho phép bệ phóng tách ra sau khi bắn. Được triển khai tại hơn 35 quốc gia, AIM-120 là thành phần cốt lõi của các hệ thống phòng không phương Tây. Tên lửa có thể đánh chặn máy bay, máy bay ném bom, tên lửa hành trình và các mối đe dọa trên không khác ở khoảng cách 30-160km, tùy thuộc vào phiên bản.

Kế hoạch mua tên lửa AIM-120 của Australia là một bước đi chiến lược nhằm tăng cường thế trận phòng không của nước này. Những tên lửa này sẽ được tích hợp vào máy bay F/A-18F Super Hornet, EA-18G Growler và F-35A Lightning II của Không quân Hoàng gia Australia, cũng như vào hệ thống tên lửa NASAMS.

* Triều Tiên đẩy mạnh các chương trình tên lửa và hạt nhân

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tướng Xavier T. Brunson, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), đã nhắc đến các diễn biến quân sự ở Triều Tiên. Theo Brunson, Bình Nhưỡng đang tích cực thúc đẩy năng lực đạn đạo và hạt nhân.

 Tướng Brunson báo cáo rằng chỉ riêng trong năm 2024, Triều Tiên đã tiến hành không dưới 47 vụ phóng tên lửa đạn đạo. Ảnh: KCNA

Tướng Brunson báo cáo rằng chỉ riêng trong năm 2024, Triều Tiên đã tiến hành không dưới 47 vụ phóng tên lửa đạn đạo. Ảnh: KCNA

Tướng Brunson báo cáo rằng, chỉ riêng trong năm 2024, Triều Tiên đã tiến hành không dưới 47 vụ phóng tên lửa đạn đạo. Ông lưu ý rằng Bình Nhưỡng cũng đang tập trung vào việc phát triển tên lửa hành trình tầm xa và phương tiện lướt siêu thanh được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến. Năm 2025, dự kiến Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ quan trọng như đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), nhằm nâng cao khả năng răn đe chiến lược.

Triều Tiên cũng đang mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân. Quân đội nước này đang trải qua quá trình hiện đại hóa. Tháng 11- 2024, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm một biến thể mới của tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn Hwasong-18, được cho là có tầm bắn hơn 12.000km. Ở tầm trung, Triều Tiên được cho là sở hữu hơn 10 tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-16. Các tên lửa đạn đạo tầm trung như Nodong (Hwasong-7), Scud-ER và Pukguksong-2 cũng đang được đưa vào sử dụng hoặc đang trong quá trình thử nghiệm. Triều Tiên cũng đang phát triển các tên lửa hành trình chiến lược, bao gồm Hwasal-1 và Hwasal-2, được cho là có khả năng tương thích hạt nhân. Các hệ thống tầm xa, bay thấp này nhằm mục đích bổ sung cho kho vũ khí tên lửa đạn đạo và thách thức các hệ thống phòng không của đối phương thông qua các cấu hình bay khác nhau.

Triều Tiên đang theo đuổi một chiến lược đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa và đa dạng hóa năng lực quân sự, dựa trên tính cơ động, răn đe phi đối xứng và sự thay đổi có chủ đích về học thuyết quân sự.

QUỲNH OANH

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-12-4-trieu-tien-day-manh-cac-chuong-trinh-ten-lua-va-hat-nhan-823571