Quan tâm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực huy động cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em phát triển về thể chất và tinh thần, vươn lên học tập tốt, phấn đấu, rèn luyện trở thành công dân có ích của xã hội.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 381.700 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó, hơn 6.660 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, như mồ côi cả cha, mẹ, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật,… Ngoài ra, còn có trên 98.400 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (sống trong hộ nghèo, cận nghèo; cả cha và mẹ đi làm ăn xa...).

Công ty Thủy điện Sơn La tặng quà cho học sinh điểm trường bản Mới và bản Tảo Ván, xã Chiềng Công, huyện Mường La. Ảnh: Trường Sơn.

Công ty Thủy điện Sơn La tặng quà cho học sinh điểm trường bản Mới và bản Tảo Ván, xã Chiềng Công, huyện Mường La. Ảnh: Trường Sơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Hằng năm, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các kế hoạch chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em". Ưu tiên bảo vệ và chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ vùng nông thôn nghèo, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… đảm bảo tất cả trẻ em đều được phát triển bình thường về thể chất và tinh thần.

Nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành, được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu và gắn với nguồn lực, nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em. Các địa phương đã đưa công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội hằng năm, nhằm xây dựng môi trường lành mạnh, phù hợp, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ em tại địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 58,8% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các địa phương, đơn vị đã tích cực huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ. Phát huy hiệu quả gần 3.000 nhà văn hóa, sân thể thao tại các tổ, bản, tiểu khu và nhà văn hóa các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, phòng, chống xâm hại trẻ em…

Giúp trẻ phát triển toàn diện

Công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo luôn được cả xã hội quan tâm với các hoạt động thiết thực, đã tiếp sức, động viên các cháu khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tặng gần 10.000 suất quà, tổng trị giá trên 4 tỷ đồng; tặng hơn 100 suất học bổng, tổng trị giá gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, xây dựng mới 6 công trình, nâng cấp sửa chữa 2 công trình dành cho trẻ em. Từ đầu năm đến nay, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh tặng 200 suất quà; 20 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí trên 120 triệu đồng. Phối hợp với Văn phòng Tổng đại lý bảo hiểm AIA Sơn La trao 20 xe đạp cho học sinh trong chương trình “Hành trình cuộc sống 2024” huyện Mường La và Sông Mã.

100% số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc diện được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Hầu hết các em được quản lý, chăm sóc tốt và được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, trong đó, 97% số trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT, 100% số gia đình có trẻ em tử vong do tai nạn thương tích được hỗ trợ, thăm hỏi, động viên. 100% số trẻ bị nhiễm HIV/AIDS được lập hồ sơ theo dõi, tư vấn, kết nối các dịch vụ chăm sóc bằng các hình thức phù hợp. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 32 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó đã thực hiện giám định cho 29 trẻ bị xâm hại theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, tiến hành các biện pháp chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho trẻ bị xâm hại.

Bà Dương Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chia sẻ: Hiện nay, Trung tâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 85 cháu từ 2 đến 17 tuổi, là trẻ mồ côi cả cha mẹ hoặc cha, mẹ đang chấp hành án phạt tù. Ngoài chăm lo cho các cháu ăn, học chu đáo theo chế độ của Nhà nước, chúng tôi luôn gần gũi, tâm sự, chia sẻ, nhất là những cháu ở độ tuổi mới lớn có những thay đổi về tâm, sinh lý; định hướng cho các con lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai phù hợp.

Bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Hà Nội khám sàng lọc cho trẻ khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trường Sơn.

Bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Hà Nội khám sàng lọc cho trẻ khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trường Sơn.

Công tác hỗ trợ trẻ em còn được nhiều chương trình giúp đỡ, như: Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” triển khai tại huyện Quỳnh Nhai, Mường La, do tổ chức SCI tài trợ. Dự án “Chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho trẻ vị thành niên/thanh niên tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025” triển khai tại huyện Thuận Châu, thành phố Sơn La, do tổ chức HB tài trợ. Dự án “Vì sự sống còn, phát triển của trẻ em và môi trường giai đoạn 2022-2026” trên địa bàn tỉnh Sơn La, do tổ chức UNICEF tài trợ.

Chương trình phẫu thuật nụ cười do tổ chức Operation Smile tài trợ đã tổ chức khám cho 138 trẻ, trong đó có 85 trẻ được chỉ định phẫu thuật khuyết tật vùng hàm, mặt. Quỹ Nhịp tim Việt Nam, Viettel Sơn La, Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E đã khám tầm soát cho trên 2.000 trẻ, phát hiện 115 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó 48 trường hợp mắc bệnh có chỉ định can thiệp, phẫu thuật. Ngoài ra, các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn, khám sàng lọc cho hàng trăm trẻ em, người khuyết tật vận động trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh khám bệnh cho trẻ em. Ảnh: Trường Sơn.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh khám bệnh cho trẻ em. Ảnh: Trường Sơn.

Quyền học tập của trẻ em được quan tâm. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với trẻ em, như: Miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ có hộ khẩu thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ từ 3-5 tuổi là con hộ nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ bữa ăn trưa tại các cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Công viên, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sông Mã, chia sẻ: Ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước đối với các em trong diện được thụ hưởng, Phòng còn phối hợp với các cơ quan, các đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn kêu gọi, vận động để hỗ trợ, tặng học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo… Năm học 2023-2024, toàn huyện đã hỗ trợ các em học sinh thuộc các đối tượng trên trị giá hơn 1,6 tỷ đồng.

Giờ chơi của trẻ tại Trường mầm non 1/6 Nậm Lầu, huyện Thuận Châu. Ảnh: Nguyễn Thư.

Giờ chơi của trẻ tại Trường mầm non 1/6 Nậm Lầu, huyện Thuận Châu. Ảnh: Nguyễn Thư.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm với những việc làm thiết thực, hiệu quả, giúp các em được học tập và vui chơi giải trí trong môi trường lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và phát triển toàn diện.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/quan-tam-cham-soc-tre-em-co-hoan-canh-kho-khan-MtDIyGyIg.html