Quan tâm phát triển Đảng trong cán bộ, hội viên phụ nữ

Xác định phát triển đảng viên trong cán bộ, hội viên phụ nữ là động lực để chị em nỗ lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ cũng như vươn lên phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Trần Đề (Sóc Trăng) luôn quan tâm lựa chọn, chăm bồi, giới thiệu quần chúng ưu tú để Đảng xem xét kết nạp. Từ đó đã góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng tổ chức hội vững mạnh và thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên ở địa phương.

Để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, Hội LHPN huyện Trần Đề quan tâm tốt việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho hội viên phụ nữ; chỉ đạo các cơ sở hội tuyên truyền cho hội viên phụ nữ thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của phụ nữ đối với công tác phát triển Đảng trong tổ chức hội phụ nữ. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội; tuyên truyền, vận động chị em tham gia tích cực vào các phong trào, hoạt động hội.

Hội LHPN huyện Trần Đề (Sóc Trăng) luôn quan tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Hội LHPN huyện Trần Đề (Sóc Trăng) luôn quan tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”; các cấp hội phụ nữ của huyện đa dạng hóa các hoạt động để thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia. Trong đó có các mô hình hiệu quả như: Mô hình “1 + 1” (1 chi hội khá kèm 1 chi hội yếu; 1 hội viên vận động 1 phụ nữ tham gia tổ chức hội, 1 đảng viên bồi dưỡng, giới thiệu phát triển Đảng 1 chi hội trưởng/1 chi hội phó/1 nữ cán bộ, công chức, viên chức/ủy viên ban chấp hành; 1 chi hội mạnh kết nghĩa giúp 1 chi hội hoặc 1 hội viên có điều kiện hỗ trợ 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn); Mô hình “3 có, 3 biết” tại các chi hội (có hội viên tiên phong, có hoạt động hằng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động; biết mặt hội viên, biết hoàn cảnh hội viên và biết nhu cầu hội viên phụ nữ). Tổ chức các hoạt động với phương châm “Lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội”. Qua đó, hằng năm, Huyện hội đều xây dựng kế hoạch thực hiện hỗ trợ cơ sở yếu, khó khăn và chọn 11 chi hội tại 11 đơn vị xã, thị trấn để hỗ trợ. Qua đó, các cấp hội trong huyện đã thành lập mới và duy trì 29 tổ với 290 thành viên mô hình “Phụ nữ có người thân đi làm ăn xa”. Từ đầu nhiệm kỳ (2021 - 2026) đến nay, tổng số hội viên đã phát triển mới là 4.660 hội viên. Đến nay, huyện đã thực hiện tập hợp hội viên từ 18 tuổi tham gia vào tổ chức hội, có 8/11 đơn vị có tỷ lệ tập hợp hội viên phụ nữ trên 60%; tỷ lệ trên 50% có 3/11 đơn vị.

Bà Trịnh Thị Thu Tư - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Đề cho biết, chính việc vận động, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào hội, cũng như thực hiện các phong trào thi đua là điều kiện thuận lợi để hội rà soát, bồi dưỡng, giúp đỡ hội viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn giới thiệu kết nạp vào Đảng. Đồng thời, rà soát, thống kê số chi hội trưởng chưa phải là đảng viên; phát hiện nhân tố tích cực có thành tích tốt trong hoạt động hội; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn, giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp; đồng thời giao chỉ tiêu cho các chi hội bồi dưỡng, giúp đỡ hội viên phụ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn giới thiệu kết nạp vào Đảng; xây dựng lực lượng nòng cốt của tổ chức hội ở cơ sở.

Quan tâm thành lập các tổ, nhóm phù hợp với sở thích, điều kiện để thu hút phụ nữ tham gia vào hội. Ảnh: Hội LHPN Trần Đề cung cấp

Quan tâm thành lập các tổ, nhóm phù hợp với sở thích, điều kiện để thu hút phụ nữ tham gia vào hội. Ảnh: Hội LHPN Trần Đề cung cấp

Hội cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh; đồng thời là tiêu chí cơ bản trong đánh giá chất lượng hoạt động chi hội và cơ sở hội. Tính từ đầu nhiệm kỳ (2021 - 2026) đến nay, các cấp hội đã giới thiệu cho tổ chức Đảng xem xét, bồi dưỡng, phát triển đảng viên là 121 hội viên và đã kết nạp được 68 chị. Chi hội trưởng là đảng viên từ đầu nhiệm kỳ có 32/57 (đạt 56,14%), đến nay có 44/57 (đạt 77,19%) là đảng viên.

Có thể nói, công tác chăm bồi, tạo nguồn kết nạp Đảng trong cán bộ, hội viên phụ nữ chính là động lực để nhiều chị em rèn luyện, phấn đấu, phát triển. Chị Trần Thị Thu Thùy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An (huyện Trần Đề) là một điển hình. Có thời gian hơn 6 năm công tác tại Văn phòng UBND xã Viên An. Đến năm 2010, chị Thùy xin nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ do gia đình đơn chiếc. Vừa chăm sóc gia đình, Thu Thùy vừa chăm lo phát triển kinh tế bằng các mô hình buôn bán thức ăn, nước uống, mở tiệm photocopy, chụp hình thẻ lấy liền… đến khi sắp xếp mọi việc ổn định, con cái ngày càng lớn, chị tiếp tục tham gia các hoạt động công tác xã hội. Sau đó, chị Thùy được phân công làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tiếp Nhựt.

Thời gian qua, chị Thùy luôn có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc tìm hiểu, sâu sát phụ nữ ở địa bàn để thành lập các tổ hội phù hợp với điều kiện của chị em. Đến nay, Chi hội Phụ nữ của ấp đã thành lập 1 tổ “Gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; 1 Tổ hợp tác Chăn nuôi bò thịt; 1 tổ “Phụ nữ đi bộ tập thể dục”. Chị còn thường xuyên tuyên truyền các thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình; truyền thông về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thuộc chương trình của Dự án 8; tích cực vận động và tham gia cùng chị em trồng hoa làm đẹp đường nông thôn…

Với những nỗ lực của bản thân, cuối tháng 7/2024, chị Thu Thùy vinh dự được kết nạp Đảng. Chị phấn khởi chia sẻ: “Đây thật sự là niềm tự hào cho bản thân và gia đình. Từ khi được kết nạp Đảng, tôi cảm thấy như được thắp thêm ngọn lửa nhiệt huyết. Tôi luôn tự nhủ rằng, bản thân cần trau dồi, học tập nâng cao trình độ mọi mặt, thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác hội để xứng đáng là một đảng viên”.

Tuy nhiên, thực trạng công tác phát triển Đảng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng nữ địa phương đủ 18 tuổi trở lên đi học hoặc đi làm tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Một số ở địa phương ít tham gia các hoạt động phong trào; còn lại là lớn tuổi hoặc trình độ thấp, từ đó dẫn đến việc tạo nguồn phát triển Đảng là nữ gặp nhiều khó khăn.

Có thể nói, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, mỗi chị em, rất cần sự hỗ trợ từ các cấp ủy, chính quyền để công tác phát triển đảng viên đạt hiệu quả. Riêng các cấp hội của huyện cũng đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, nhất là đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo, phổ cập cho các chị có nhiệt huyết tham gia vào công tác hội để tạo nguồn phát triển Đảng.

XUÂN HƯƠNG

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-tran-de/quan-tam-phat-trien-dang-trong-can-bo-hoi-vien-phu-nu-75718.html