Quan tâm tái chứng nhận sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, giúp khơi dậy nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng mang đặc trưng, lợi thế vùng, miền và khai thác những tiềm năng, nội lực trong nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc tái công nhận sản phẩm OCOP sau khi hết hạn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhiều sản phẩm chưa được chứng nhận lại
Những năm qua, việc được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã mang lại nhiều lợi ích đối với các chủ thể. Đây được xem như “giấy thông hành” để sản phẩm có thể chiếm lĩnh, mở rộng thị trường. Tuy vậy, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 16 sản phẩm thuộc 12 chủ thể đến hạn phải đánh giá, công nhận lại OCOP nhưng chưa thực hiện. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Sau thời gian trên, các chủ thể phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lại. Quy định là vậy song vì nhiều lý do đến nay việc tái công nhận sản phẩm OCOP đang gặp những trở ngại, nhiều chủ thể chưa chủ động làm các thủ tục để được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận lại.
Ví như giấy chứng nhận của các sản phẩm: Bưởi da xanh Hồng Xuân, cam Hồng Xuân, bưởi Hồng Xuân của HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) đã hết hạn vào cuối năm 2023 nhưng đến nay chưa được tái công nhận OCOP 3 sao. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX cho biết: “Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP có ý nghĩa rất lớn trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của HTX. Tuy nhiên, vì năm 2023 chúng tôi tập trung cao để hoàn thiện hồ sơ nâng cấp sản phẩm vải thiều từ 4 lên 5 sao nên chưa quan tâm đến các sản phẩm đã đến hạn cần công nhận lại. HTX đã có kế hoạch để được tái chứng nhận đối với sản phẩm này trong thời gian tới”.
Là chủ thể có sản phẩm OCOP 4 sao trà hoa vàng thuộc diện phải đánh giá, phân hạng lại song đến nay HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn (Lục Nam) vẫn chưa làm các thủ tục để được đánh giá, công nhận lại. Theo ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc HTX, mặc dù HTX đã được địa phương, đơn vị quản lý Chương trình OCOP của tỉnh gửi thông báo nhưng đến nay chưa thực hiện các bước để công nhận lại do quy định mới yêu cầu các tiêu chuẩn cao hơn, nếu năm 2023 đánh giá lại sản phẩm của HTX sẽ bị tụt sao, trong khi bao bì đã được in 4 sao từ trước đó với số lượng lớn.
“Tháng 6 tới HTX sẽ hoàn thiện các thủ tục để cơ quan chức năng đánh giá, phân hạng và công nhận lại”, ông Nguyễn Văn Đức nói. Tương tự, đối với gạo thơm Yên Dũng của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Phương (Yên Dũng); dưa lê Hàn Quốc của HTX Rau sạch Yên Dũng; hay mỳ tảo xoắn Havamor, bánh quế vị rong biển, bánh quế gạo thảo dược của Công ty TNHH Joy Việt Nam, xã Việt Tiến (thị xã Việt Yên); rau cần Hoàng Lương của HTX Nông nghiệp Hoàng Lương (Hiệp Hòa); giò lụa của HTX Kinh doanh Thao Thanh (Lạng Giang)... là những sản phẩm OCOP 3 sao đã hết hạn sử dụng logo OCOP nhưng chưa được tái công nhận.
Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, sản phẩm đều tăng qua các năm, chất lượng không ngừng được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, thuộc về 177 chủ thể, trong đó có 141 HTX, 13 doanh nghiệp, 23 cơ sở sản xuất.
Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận và cấp cho các chủ thể tại Quyết định số 1214/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh có thời hạn 36 tháng (hết hiệu lực ngày 28/12/2023). Theo quy định, các chủ thể sẽ không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP để in, dán trên bao bì, nhãn mác sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày 29/12/2023.
Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận và cấp cho các chủ thể tại Quyết định số 1214/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh có thời hạn 36 tháng (hết hiệu lực ngày 28/12/2023). Theo quy định, các chủ thể sẽ không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì, nhãn mác sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày 29/12/2023.
Để tiếp tục được sử dụng logo OCOP có gắn sao, các chủ thể sản xuất thực hiện đăng ký đánh giá, phân hạng lại theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan. Tìm hiểu được biết, sở dĩ nhiều chủ thể chưa mặn mà với việc đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP là do hồ sơ đề nghị công nhận lại đòi hỏi tương tự như đối với công nhận lần đầu, trong khi tiêu chuẩn yêu cầu cao hơn, tốn kém thời gian, chi phí.
Đối với hoạt động đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, cộng thêm thị trường tiêu thụ, sự phát triển của một số sản phẩm còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, mang tính thời vụ nên các chủ thể chưa chú trọng nâng cấp sao cũng như hoàn thành thủ tục để tái chứng nhận sản phẩm OCOP.
Theo ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chu trình OCOP được triển khai thực hiện thường niên theo quy định bảo đảm nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách, định hướng, quản lý, giám sát, hỗ trợ, tập huấn, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Cơ sở sản xuất đề xuất trực tiếp theo nhu cầu và khả năng thực tế.
Hiện nay, Chi cục đã thống kê và gửi thông báo đến các chủ thể có sản phẩm hết thời hạn công nhận sản phẩm OCOP đúng theo quy định. Đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định đối với những sản phẩm hết thời hạn giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam theo Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 30/01/2023 của UBND tỉnh và các quy định khác của pháp luật.
Song hành với đó là tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm để được sử dụng logo OCOP có gắn sao theo quy định. Trong trường hợp chủ thể không tham gia đánh giá, phân hạng lại, các cơ quan chuyên môn sẽ đề xuất thu hồi danh hiệu OCOP và xử lý nếu có hành vi lợi dụng danh hiệu OCOP để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Đối với các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, Chi cục sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng đó tuyên truyền, vận động các chủ thể có sản phẩm đã công nhận OCOP năm 2021 sắp hết hạn chứng nhận tham gia đánh giá lại.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quan-tam-tai-chung-nhan-san-pham-ocop-072035.bbg