Quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa
Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động được nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa.

Đền thờ Lại Thế Khanh được tu bổ, tôn tạo khang trang.
Đền thờ Lại Thế Khanh tọa lạc tại thôn Quan Chiêm, xã Hà Giang (Hà Trung), là nơi sinh hoạt tâm linh của Nhân dân trong và ngoài huyện. Theo một số tư liệu lịch sử, Lại Thế Khanh là người xã Hà Dương (nay là xã Yên Dương). Ông là người thông minh, trí dũng, giỏi võ, nên lập nhiều chiến công, được vua Lê trọng dụng. Năm 1543, Trịnh Kiểm được phong làm Tiết chế thái sư Lạng Quốc công, nắm giữ mọi việc quân binh, Lại Thế Khanh là thuộc tướng phủ tiết chế. Ông đã ba lần tiến quân ra trấn Sơn Nam (phía Nam kinh thành Thăng Long) theo Thái sư Trịnh Kiểm đánh giặc đều lập được công lớn và được phong tước An Quận công. Ngoài ra, ông còn được hưởng đất lộc điền vua ban ở xã Quan Chiêm, tổng Thượng Bạn, phủ Hà Trung (nay là thôn Quan Chiêm, xã Hà Giang, huyện Hà Trung). Năm 1578, Lại Thế Khanh qua đời, được vua truy tặng Thái tể Khiêm Quốc công, tên thụy là Công Thuận và ngày 27 tháng 9 âm lịch là ngày giỗ ông. Sau khi Lại Thế Khanh mất, Nhân dân đã xây dựng đền thờ ông tại thôn Quan Chiêm, xã Hà Giang để ghi nhớ công lao của ông đối với đất nước.
Trải qua biến cố của lịch sử, ngôi đền đã trở thành phế tích trong sự tiếc nuối của Nhân dân. Năm 2000, con cháu họ Lại đóng góp, tôn tạo lại một số hạng mục để có nơi cho Nhân dân thắp hương vào các ngày giỗ, lễ, tết. Năm 2011, đền thờ Lại Thế Khanh được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa. Năm 2022, được sự quan tâm của Nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác, đền đã được tu bổ, tôn tạo với các hạng mục như: cổng tứ trụ, đền thờ, mái nhà mẫu, nhà sắp lễ... với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Hiện, đền được xây dựng khang trang, đáp ứng mong ước của Nhân dân trong và ngoài xã.
Thời gian qua, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích được huyện Hà Trung quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Từ năm 2020 đến năm 2024, huyện đã huy động được hơn 50 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích, như: phủ Suối, đền Trần, chùa Trần, đền thờ Lại Thế Khanh, đình Thượng Phú, đình Phú Thọ, chiến khu Bái Sậy...
Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Hoàng Văn Long cho biêt: Công tác tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử - văn hóa được huyện Hà Trung quan tâm thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện cũng còn nhiều di tích đang xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo. Vì vậy, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường giáo dục về giá trị của di tích để Nhân dân được biết, sẵn sàng góp công, góp của cùng với Nhà nước tu bổ, tôn tạo các di tích trở nên khang trang, xứng tầm với giá trị vốn có của nó
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh Hóa có 1.535 di tích được kiểm kê, bảo vệ. Để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tỉnh tập trung nguồn lực ưu tiên thực hiện bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng đang xuống cấp nghiêm trọng; đầu tư phục hồi, tôn tạo các di tích trọng điểm nhằm bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa truyền thống, đưa vào khai thác và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của các địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư 192 dự án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 36 dự án hoàn thành, phê duyệt quyết toán 11 dự án đang triển khai thực hiện; 70 dự án khởi công mới, đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư... với tổng mức đầu tư trên 4.146 tỷ đồng. Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo ngày càng phát huy giá trị, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách tham quan, cầu phúc, cầu an, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh và quảng bá đất và người xứ Thanh.
Để công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa đạt kết quả tích cực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 nguồn vốn Trung ương, địa phương và huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác giáo dục về di sản để người dân hiểu và chung sức cùng với chính quyền địa phương gìn giữ và phát huy giá trị di tích.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-tam-tu-bo-ton-tao-di-tich-lich-su-van-hoa-247560.htm