Quan tâm xây dựng sản phẩm OCOP mang thương hiệu tỉnh

Chiều 19/5, Ban Thường vụ Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang tổ chức quán triệt, triển khai Đề án 'HND các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025' (gọi tắt là đề án).

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Tới dự và chỉ đạo có đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và Huyện ủy, UBND các huyện, TP.

Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch HND tỉnh trình bày các nội dung đề án, như: Ý nghĩa, mục tiêu của đề án; các bước hỗ trợ, hoàn thiện và thực hiện, phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời đánh giá thực trạng việc phát triển sản phẩm OCOP tại Bắc Giang; yêu cầu các cấp HND trong tỉnh nghiêm túc tham gia thực hiện hiệu quả đề án.

Phấn đấu mỗi năm các cấp HND trong tỉnh trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn xây dựng mới được từ 10 sản phẩm OCOP trở lên; cả giai đoạn xây dựng được 40 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Hằng năm duy trì, củng cố từ 10-20 sản phẩm OCOP đã được công nhận.

Hỗ trợ 200 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, từng bước khẳng định thương hiệu OCOP của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Hình thành được các chuỗi sản xuất gắn với vùng nguyên liệu ổn định, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi quán triệt các nội dung đề án.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi quán triệt các nội dung đề án.

Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến, nội dung tập trung giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; những khó khăn hạn chế trong việc phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời đưa ra một số giải pháp, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương để Chương trình OCOP thu được nhiều kết quả.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh: Chương trình OCOP dựa trên thế mạnh, lợi thế của các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, làng nghề truyền thống đã góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất của người dân, là cơ sở phát triển hạ tầng ở nông thôn.

Để đề án được triển khai hiệu quả, đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đặc biệt là HND các cấp tập trung tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, nhằm nâng cao nhận thức và trình độ cho hội viên, nhân dân về Chương trình OCOP.

Truyền tải các cơ chế, chính sách của Nhà nước, hiệu quả, lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP. Phổ biến các mô hình, cách làm hay, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm… tạo sức lan tỏa Chương trình OCOP trong toàn hệ thống chính trị.

Các cấp HND chủ trì, nòng cốt trong thực hiện đề án, tập trung tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới theo 6 nhóm. Ưu tiên phát triển sản phẩm có lợi thế đặc trưng của địa phương gắn với yếu tố văn hóa, con người. Định hướng, nâng cấp sản phẩm đã được công nhận, xây dựng sản phẩm OCOP mang thương hiệu tỉnh.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng chỉ đạo tại hội nghị.

Trong quá trình thực hiện tuyệt đối không được làm theo phong trào. Phát triển sản phẩm mới phải trên cơ sở “cung - cầu”, mở rộng thị trường trong khu vực và quốc tế.

Chú trọng tư vấn, hỗ trợ các loại hình, tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn các HTX, doanh nghiệp (DN). HTX, DN phải giữ vai trò là động lực, là đầu tầu trong việc liên kết các hộ nông dân trong chuỗi giá trị khép kín từ cung ứng dịch vụ đến tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường.

Đồng chí đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với HND tỉnh triển khai, thực hiện hiệu quả đề án. Bao gồm: Xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách đủ cho thực hiện đề án; triển khai cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, tổ chức tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thường niên và quản lý chất lượng sản phẩm.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến sâu, liên kết và gắn với các vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, tạo ra sản phẩm OCOP đặc sắc có giá trị cao.

Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, TP tập trung quyết liệt thực hiện Chương trình OCOP và có cơ chế cụ thể giao cho HND cùng cấp thực hiện tốt đề án trên địa bàn. Lãnh đạo, chỉ đạo việc lựa chọn, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP theo nội dung công việc và các hạng mục hỗ trợ của đề án đã được phê duyệt.

Có cơ chế hỗ trợ các HTX, chủ thể tham gia Chương trình OCOP của địa phương, đơn vị. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động của tổ chức HND, các chủ thể kinh tế trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

Lễ ký kết giao ước thi đua thực hiện thắng lợi đề án.

Lễ ký kết giao ước thi đua thực hiện thắng lợi đề án.

Tại đây, Chủ tịch HND các huyện, TP đã ký kết giao ước thi đua thực hiện thắng lợi đề án.

Tin, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/383960/quan-tam-xay-dung-san-pham-ocop-mang-thuong-hieu-tinh.html