Quảng bá, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch
Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội Bà Triệu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dấu mốc quan trọng trên hành trình tôn vinh, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và lễ hội gắn với phát triển du lịch.
Xây dựng di tích trở thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử
Khu Di tích đền Bà Triệu là địa điểm linh thiêng không chỉ đối với người dân Thanh Hóa mà còn đối với Nhân dân cả nước. Khu di tích gắn với lễ hội đền Bà Triệu đã thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham quan, thực hành tín ngưỡng tâm linh, để tưởng nhớ đến Bà Triệu và các anh hùng nghĩa sĩ năm xưa, đồng thời cầu mong thần linh phù hộ cho đất nước, quê hương ngày càng đổi mới, phát triển. Với những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đó, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 54/QĐ-BVH ngày 29-9-1979 công nhận quần thể tưởng niệm Bà Triệu là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 1996, công nhận di tích đình làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Với những giá trị vượt thời gian, năm 2014, Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Sự tôn vinh này thêm một lần khẳng định và nâng tầm vị thế của di sản trong kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Sau khi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, để phát huy giá trị di tích, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm công tác đầu tư, huy động các nguồn lực bảo vệ, tôn tạo di tích. Bằng nguồn ngân sách Trung ương, cấp tỉnh và kêu gọi xã hội hóa, một số công trình phụ đã được thực hiện. Từ các dự án quy hoạch, đầu tư, Khu Di tích Bà Triệu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của địa phương cũng như trung ương, từ ngân sách Nhà nước đến nguồn xã hội hóa, qua đó di tích được trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh khang trang với các hạng mục quan trọng.
Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết số 200 ngày 10-12-2021 về chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu ở xã Triệu Lộc (Hậu Lộc). Theo nghị quyết, dự án sẽ đầu tư xây dựng tượng đài Bà Triệu và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tượng đài Bà Triệu trên núi Gai, xã Triệu Lộc (có quy mô khoảng 5 ha), trong đó có các hạng mục như: nhà đón tiếp kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm trong khuôn viên tượng đài Bà Triệu; sân, quảng trường khu tượng đài; đường dạo xung quanh tượng đài; đường lên núi… Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 256 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh, vốn do Trung ương Hội LHPN Việt Nam quyên góp và nguồn huy động hợp pháp khác khoảng 106 tỷ đồng; vốn do một tập đoàn tài trợ khoảng 150 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu của dự án là bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của khu di tích. Tôn vinh lòng yêu nước, ý chí quật cường của nữ anh hùng dân tộc Bà Triệu và các nghĩa quân trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Xây dựng di tích trở thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, dự án đang tiến hành các thủ tục giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Thúc đẩy kết nối các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu
Từ 11-3 đến 13-3 (tức ngày 20 đến 22-2 âm lịch năm Quý Mão 2023), tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023, kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22-2 năm Mậu Thìn 248 - 22-2 năm Quý Mão 2023). Lễ khai mạc bắt đầu từ 8 giờ ngày 11-3 tại khuôn viên Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) với các nghi thức truyền thống gồm, lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền; rước kiệu Bà, tế lễ… Tiếp đó là phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh cũng như tác động mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trên quê hương Thanh Hóa.
Ngoài ra, tại lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu còn có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc cùng hoạt động trưng bày hiện vật, sách báo, tranh ảnh giới thiệu về di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu, các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Thanh… Đây là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của xứ Thanh. Khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta. Đây là dịp giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu, tiềm năng du lịch địa phương với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.
Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội Bà Triệu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dấu mốc quan trọng trên hành trình tôn vinh, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và lễ hội gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, ngoài Khu Di tích Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 2 khu di tích chính liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Bà Triệu là vùng núi Quan Yên, nay thuộc xã Định Tiến (Yên Định), quê hương của Bà Triệu; Di tích lịch sử quốc gia đền Nưa - Am Tiên, thuộc huyện Triệu Sơn – từng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trước khi tiến ra Bồ Điền, Hậu Lộc. Tại thôn Yên Dân và thôn Đông Yên, xã Trung Thành (Nông Cống) vẫn còn 2 ngôi đền linh thiêng cùng thờ Bà Triệu. Những di tích lịch sử tưởng nhớ Bà Triệu không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn gắn liền với những chứng tích lịch sử quan trọng, giúp hậu thế hiểu hơn về bối cảnh cuộc kháng chiến chống quân Ngô, cũng như lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc của Bà Triệu, nghĩa quân và Nhân dân ta thời bấy giờ.
Điều đó cũng đặt ra yêu cầu phải có sự kết nối các điểm di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, từ đó tạo thành tour du lịch hấp dẫn người dân, du khách. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy kết nối các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu xứ Thanh với Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, gắn với Lễ hội Bà Triệu; kết nối tour du lịch ngoài tỉnh. Vừa qua, tại tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra hội nghị giới thiệu tiềm năng du lịch và các hoạt động du lịch năm 2023 với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”. Qua đó giới thiệu đến các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, đơn vị xúc tiến, doanh nghiệp du lịch về tiềm năng, sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của 3 địa phương (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh); chuỗi hoạt động “Chào hè năm 2023”, đặc biệt là các tour liên kết “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”. Từ những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu – Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu; Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Triệu sẽ là một trong những địa điểm dừng chân hấp dẫn, tiêu biểu xứ Thanh trên hành trình kết nối các điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa với các điểm du lịch của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.