Quảng Bình nâng cao hiệu quả của tổ chức tín dụng 'gần dân, sát dân'

Nhiều quỹ tín dụng nhân dân ở Quảng Bình đã bám sát định hướng phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động phù hợp nhằm thực hiện tốt các giải pháp về tín dụng theo đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động là nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn...

Bạn đồng hành của nhà nông

Tính đến nay, trên địa bàn Quảng Bình có 24 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tại 60 xã, phường, có 24 điểm thực hiện giao dịch tại trụ sở chính, 14 điểm giao dịch tại phòng giao dịch và 19 điểm giới thiệu dịch vụ… Quảng Bình là một trong những địa phương có số lượng, quy mô các quỹ tín dụng nhân dân lớn không chỉ ở miền Trung mà còn cả nước.

Nhìn chung, thời gian gần đây hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tương đối ổn định, công tác phát triển thành viên được quan tâm. Hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân ở Quảng Bình đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của loại hình tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân”, kênh dẫn vốn hiệu quả, phát huy được ưu thế trong công tác huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay, góp phần phát triển kinh tế địa phương, hạn chế tín dụng đen, xây dựng nông thôn mới.

Gia đình bà Hoàng Thị Hội, ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch từ một hộ gia đình sản xuất nước mắm truyền thống nhỏ lẻ, tự phát, nhờ vay vốn từ quỹ tín dụng nhân dân Nhân Trạch, bà Hội đã mở rộng sản xuất, thu về hơn 400 triệu đồng/năm. Trước đó, gia đình đã mạnh dạn vay quỹ tín dụng nhân dân Nhân Trạch 100 triệu đồng mua sắm thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất nước mắm truyền thống. Bà Hoàng Thị Hội chia sẻ, ngoài vay vốn để mở rộng sản xuất, gia đình còn được quỹ tín dụng nhân dân hỗ trợ vay vốn cho con trai đi xuất khẩu lao động, đóng thuyền đi biển… Bởi vậy, kinh tế gia đình ngày càng khá giả, có của ăn, của để, thoát khỏi được tình trạng khó khăn như trước đây…

Trên địa bàn Quảng Bình hiện có 24 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tại 60 xã, phường.

Trên địa bàn Quảng Bình hiện có 24 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tại 60 xã, phường.

Trên thực tế hoạt động của mình, nhiều quỹ tín dụng nhân dân ở Quảng Bình đã bám sát định hướng phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động phù hợp nhằm thực hiện tốt các giải pháp về tín dụng theo đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động là nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn.

Trong đó, để chủ động về nguồn vốn, các quỹ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trên địa bàn, với phương châm “năng nhặt chặt bị”. Cán bộ nghiệp vụ luôn gần dân, tận tụy, trung thực trong phục vụ, giải quyết các thủ tục kịp thời, nhanh chóng, tạo thuận lợi trong việc gửi cũng như rút tiền. Theo số liệu từ NHNN chi nhánh Quảng Bình, tính đến 30/6, huy động vốn của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 7.298 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, chủ yếu nguồn huy động trong dân cư (99,9 %), có đơn vị tỷ lệ tăng trưởng cao như quỹ tín dụng nhân dân Mai Thủy tăng 23,4%, An Thủy 16,7%...

Trong khi đó, đối với công tác cho vay để bảo đảm an toàn nguồn vốn vay, nhiều quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Quảng Bình đã phân công cán bộ tín dụng phụ trách trực tiếp địa bàn, chủ động nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh và khả năng tài chính của khách hàng vay vốn. Các thành viên HĐQT tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá, phân tích cụ thể các phương án kinh doanh, mô hình sản xuất và kế hoạch sử dụng vốn vay để từ đó xác định mức cho vay và thời điểm giải ngân phù hợp. Cùng với đó, đơn vị tiến hành thẩm định giá trị tài sản thế chấp một cách hợp lý, bảo đảm tính thanh khoản theo quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Theo đại diện Liên minh Hợp tác xã Quảng Bình, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn, những năm qua, chất lượng của các quỹ tín dụng nhân dân ở địa phương ngày càng nâng cao. Điều đó, được thể hiện ở chỗ thủ tục giao dịch tại các quỹ ngày càng đơn giản, nhanh gọn; cán bộ nhân viên luôn tiếp đón ân cần, hướng dẫn chu đáo, tận tình, gần gũi với thành viên và khách hàng; đặc biệt lãi suất được điều chỉnh phù hợp theo hướng có lợi cho người dân; đội ngũ cán bộ của quỹ được đào tạo bài bản, phục vụ chuyên nghiệp…

Mô hình quỹ tín dụng nhân dân đang góp phần góp phần phát triển kinh tế địa phương, hạn chế tín dụng đen, xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình.

Mô hình quỹ tín dụng nhân dân đang góp phần góp phần phát triển kinh tế địa phương, hạn chế tín dụng đen, xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, thời gian gần đây NHNN chi nhánh Quảng Bình đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của NHNN đối với công tác quản lý, chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

Chia sẻ với phóng viên thoibaonganhang.vn, ông Lương Hải Lưu, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, giao từng cán bộ thanh tra, giám sát có trách nhiệm đối với từng TCTD trong việc thực hiện quy trình, tích hợp quá trình quản lý, giám sát, thanh tra tại chỗ và tăng cường việc theo dõi, giám sát thường xuyên từng quỹ tín dụng nhân dân. Từng cán bộ thanh tra, giám sát phụ trách quỹ tín dụng nhân dân được gọi là cán bộ chuyên quản, gắn trách nhiệm trong quá trình hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân được giao quản lý.

Trong khi đó, về phía Ngân hàng Hợp tác xã, chi nhánh Quảng Bình cũng đã tăng cường quản lý, chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Thường xuyên giám sát, thực hiện triển khai kiểm tra đúng kế hoạch, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu rủi ro, đồng thời phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh Quảng Bình về thông tin trong hỗ trợ, hướng dẫn để các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động theo hướng ổn định, an toàn và hiệu quả… Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ để các quỹ tín dụng nhân đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở hỗ trợ nâng cấp công nghệ, thực hiện đúng quy định về yêu cầu công nghệ thông tin áp dụng phù hợp cho hoạt động dịch vụ chuyển tiền điện từ, thu hộ, chi hộ và mở tài khoản, phát hành thẻ, từng bước tiến vững chắc trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng.

Đến nay, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chuyển đổi số cũng đã được các quỹ tín dụng nhân dân ở Quảng Bình đẩy mạnh. Đến ngày 30/6/2024 các quỹ trên địa bàn có 5.561 khách hàng đăng ký mở tài khoản, chiếm 72,2% số mở tài khoản tại Ngân hàng Hợp tác xã; có 17/24 quỹ trên địa bàn triển khai mở 3.262 tài khoản cho đối tượng người có công, an sinh xã hội và đối tượng hưu trí. Hiện có 23/24 quỹ tín dụng nhân dân đã trang bị 38 POS, 24/24 QTDND đã trả lương qua tài khoản…

Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chuyển đổi số cũng đã được các quỹ tín dụng nhân dân ở Quảng Bình đẩy mạnh.

Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chuyển đổi số cũng đã được các quỹ tín dụng nhân dân ở Quảng Bình đẩy mạnh.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của một số quỹ tín dụng nhân dân ở Quảng Bình vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi lên là một số quỹ tín dụng nhân dân chưa cập nhật quy định pháp luật kịp thời; công tác chỉ đạo của HĐQT, giám đốc và bộ máy điều hành chưa sát, chưa chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, tồn tại; công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ chưa phù hợp thực tế hoạt động, chưa phát huy hiệu quả; Ban kiểm soát hoạt động chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Còn xuất hiện những chủ quan, chưa chú trọng đúng mức công tác thẩm định, quyết định cho vay…

Với mục tiêu từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, bảo đảm cho hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững cũng theo ông Lương Hải Lưu, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn cần chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với diễn biến của thị trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương; chú trọng nâng cao năng lực tài chính, công tác quản trị điều hành, kiểm soát; nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro; tuân thủ đúng các quy định về an toàn trong hoạt động, các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật; đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, phát huy tối đa lợi thế trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa bàn hoạt động.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quang-binh-nang-cao-hieu-qua-cua-to-chuc-tin-dung-gan-dan-sat-dan-154395.html