Quảng Nam hướng đến trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Công nghiệp có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, xếp vị thứ 26/63 về quy mô GRDP so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quy mô nền kinh tế đạt gần 59 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), với cơ cấu GRDP như sau: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,8%; khu vực dịch vụ chiếm 35,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18,6%21.

Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023.

6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp Quảng Nam có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực với mức tăng 14,8%.

6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp Quảng Nam có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực với mức tăng 14,8%.

Riêng trong quý II/2024, ngành công nghiệp có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực với mức tăng 14,8%, đây là mức tăng trưởng ấn tượng sau chuỗi thời gian khó khăn kéo dài kể từ đầu năm 2023. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, hoạt động du lịch diễn ra nhộn nhịp và tiếp tục tăng trưởng nhờ thị trường khách quốc tế phục hồi. Tốc độ tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 36,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 4,6 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ; trong đó: Khách quốc tế đạt gần 3,1 triệu lượt, tăng 27% và khách nội địa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 4%. Doanh thu du lịch đạt 3.870 tỷ đồng, tăng 11% và thu nhập xã hội từ du lịch đạt 9.095 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng là 12.221 tỷ đồng, đạt 51,8% so với Nghị quyết đề ra (23.600 tỷ đồng), tăng 2,5% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa là 10.152 tỷ đồng, đạt 50,51% và thu xuất nhập khẩu là 3.224 tỷ đồng, đạt 59%.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu gần 2,1 tỷ USD, tăng 11,2%; gồm kim ngạch xuất khẩu đạt 0,9 tỷ USD, tăng 2,6% và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 18,9%.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2021 - 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu…, song, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nhất định.

Dự kiến đến năm 2025, trong 58 chỉ tiêu thành phần thuộc 25 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII: Có 10 chỉ tiêu đạt và vượt, 29 chỉ tiêu khả năng đạt, 19 chỉ tiêu khó đạt so với kế hoạch đề ra.

Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới trên đất liền, biển, đảo được giữ vững và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Về định hướng không gian phát triển, sẽ tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam theo mô hình cấu trúc: Hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển.

Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo đó, vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Đây là vùng động lực của tỉnh, với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Vùng Tây gồm các huyện miền núi. Đây là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia, với sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Đô thị Khâm Đức (Phước Sơn) và Thạnh Mỹ (Nam Giang) là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước thuộc hành lang quốc tế ĐôngTây.

Với hai cụm động lực, trong đó cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc sẽ là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống các sông: Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy. Nâng cao chất lượng Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc và các cụm công nghiệp tại Điện Bàn; phát triển không gian đô thị Điện Bàn, Hội An gắn kết với quá trình đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng, hình thành đô thị nghỉ dưỡng-giải trí ven biển và ven sông Cổ Cò.

Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh sẽ kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic, cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục-đào tạo, đô thị thông minh; xây dựng và phát triển thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô, tiếp tục tái cấu trúc gắn với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của vùng

Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển; Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh và Hành lang dọc Quốc lộ 14B và Quốc lộ 14E nối lên Quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Tỉnh Quảng Nam cũng xác định các khâu đột phá phát triển của tỉnh trong thời gian tới là hoàn thiện hệ thống hạ tầng; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội; nâng cao năng lực khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho các tỉnh về xã hội hóa các sân bay, cảng biển, khu kinh tế. Có cơ chế đặc thù cho Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển; trong đó, có cơ chế để phát triển chuỗi công nghiệp cơ khí. Có cơ chế liên kết vùng và cơ chế đặc thù cho từng vùng. Quan tâm đầu tư các công trình kết nối Đông Tây, phát triển khu vực miền núi, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh miền Trung với Nam Lào.

Đối với các Đề án đã được Chính phủ thống nhất chủ trương đưa vào chương trình công tác, tỉnh Quảng Nam đề nghị các bộ, ngành liên quan của Trung ương hướng dẫn địa phương trong quá trình xây dựng và sớm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Đề án hình thành và phát triển trung tâm công nghiệp chế biến sâu sản phẩm silica tại tỉnh Quảng Nam và Đề án hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu thiên nhiên.

Hạ Vĩ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/quang-nam-huong-den-tro-thanh-cuc-tang-truong-quan-trong-cua-khu-vuc-mien-trung-tay-nguyen-123736.htm