Quảng Nam: Phát huy các lợi thế cho sản phẩm OCOP

Quảng Nam là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP phát triển bền vững và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Từng bước nâng cao lợi thế và phát huy các giá trị sản phẩm OCOP là mục tiêu được địa phương chú trọng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Quảng Nam, từ năm 2018 đến nay Quảng Nam huy động hơn 281 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều phần việc, 3 năm qua toàn tỉnh có 210 sản phẩm các loại thuộc nhiều nhóm ngành hàng của 189 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 23 sản phẩm 4 sao, 186 sản phẩm 3 sao.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho hay, để phát triển các sản phẩm OCOP các ngành, các cấp cần tập trung kiện toàn hệ thống chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở và củng cố hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện chương trình. Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới, phải thường xuyên kiểm tra và kịp thời giúp đỡ những chủ thể có sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP giai đoạn 2018 – 2020 nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường tiêu thụ.
"Cần mở thêm nhiều điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP ở trong và ngoài địa phương để người tiêu dùng tiếp cận. Đặc biệt, Sở Công Thương phải là đơn vị chủ công trong vấn đề hỗ trợ phát triển thương mại điện tử"- ông Bửu chỉ rõ

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam

Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2020 thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, có 6 sản phẩm của 6 chủ thể đạt hạng 4 sao và 68 sản phẩm của 64 chủ thể được xếp hạng 3 sao. Các sản phẩm đạt 4 sao gồm: nước mắm Duy Trinh (Cơ sở sản xuất nước mắm Duy Trinh, xã Duy Hải, Duy Xuyên), khăn lụa Mã Châu (Công ty TNHH Lụa Mã Châu, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên), quạt gỗ trang trí (Cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Hạnh, thị trấn Nam Phước), cao ba kích (HTX Nông - lâm nghiệp Thiên Bình, xã Lăng, Tây Giang), bánh chưng Bà Ba Hội (Cơ sở Bà Ba Hội, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) và cam giấy Tiên Hà sấy dẻo (HTX Nông nghiệp Phước Hà, xã Tiên Hà, Tiên Phước).

Các sản phẩm công nhận đạt các hạng sao nêu trên được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, được sử dụng biểu tượng logo OCOP theo các quy định hiện hành. Kết quả công nhận phân hạng có giá trị trong 3 năm.

Để đẩy mạnh công tác phát triển các sản phẩm OCOP, Hội chợ Xuân OCOP Quảng Nam 2021 sẽ diễn ra từ ngày 16/01/2021 đến ngày 12/01/2021 tại Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Nam. Dự kiến năm nay Hội chợ Xuân được tổ chức với quy mô hơn 250 gian hàng và tập trung vào gian hàng OCOP. Đây là hội chợ thường niên và thực sự là một hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh nhà, là nơi mua sắm, vui xuân được nhiều người dân mong đợi.

Theo Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương Quảng Nam, ngoài các nhiệm vụ trên, Sở Công Thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức sự kiện, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ Tết tập trung các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức tham gia các hoạt động kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-nam-phat-huy-cac-loi-the-cho-san-pham-ocop-150489.html