Quảng Ngãi đưa phiếu đổi tên xã mới đến tận nhà để người dân góp ý

Có những cán bộ khi đi lấy ý kiến cử tri về đổi tên xã mới sau sáp nhập phải đi ban đêm hoặc mang phiếu ra tận cánh đồng để nhân dân ý kiến. Điều đó thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe nhân dân để tên xã mới có sự đồng thuận cao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã kịp thời có những chỉ đạo để tên đơn vị hành chính xã mới gắn với những địa danh quen thuộc, tên làng, danh nhân, di tích lịch sử chứ không gắn số thứ tự. Điều nay đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính sau sáp nhập được lấy ý kiến lần thứ nhất vào ngày 20/4 vừa qua, một số huyện trong tỉnh Quảng Ngãi như Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Trà Bồng vẫn còn đặt tên bằng cách lấy tên huyện rồi gắn số thứ tự. Nhiều người dân mong muốn chính quyền thay đổi, bỏ tên đánh số thứ tự “khô khan, vô cảm”; thay vào đó lấy các địa danh lịch sử, tên huyện cũ, tên xã cũ... đặt tên cho xã mới sau sáp nhập.

Huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi lấy ý kiến nhân dân lần 2, bỏ đánh số thứ tự

Huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi lấy ý kiến nhân dân lần 2, bỏ đánh số thứ tự

Sau một ngày lấy ý kiến, phần lớn những địa phương còn đánh số cho tên xã, bà con không đồng tình. Trong ngày 22/4, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành công văn gửi Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy và Thành ủy yêu cầu báo cáo về những vấn đề liên quan Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và Đề án hợp nhất hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.

Theo nội dung công văn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá vừa qua các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân về Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hình chính cấp xã của tỉnh và dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum đạt được sự thống nhất cao.

Bà con xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành họp ngày 23/4 và hào hứng với tên gọi xã mới

Bà con xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành họp ngày 23/4 và hào hứng với tên gọi xã mới

Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận cao về các đề án sau khi lấy ý kiến nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy chỉ đạo chuẩn bị tốt nội dung để tổ chức kỳ họp HĐND cấp huyện, xã thông qua 2 đề án này. Trên cơ sở các quy định của Trung ương và tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nhất là việc đặt tên xã mới sau sáp nhập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các địa phương họp cho ý kiến về tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã mới thuộc địa phương mình để xác định chuẩn xác tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã mới.

Trường hợp huyện xác định lại tên gọi khác với tên gọi trong đề án đã xin ý kiến nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương có hình thức phù hợp để lấy ý kiến lại, chậm nhất trong ngày 23/4 hoặc thông tin lại cho nhân dân về tên gọi và chịu trách nhiệm về tên gọi đơn vị hành chính cấp xã mới đó.

Đi từng nhà xin ý kiến dân một cách cầu thị

Đi từng nhà xin ý kiến dân một cách cầu thị

Từ sự chỉ đạo kịp thời này, sáng ngày 23/4, các huyện đã họp, bỏ phương án đặt các tên xã có đánh số và chuyển sang đặt tên theo các địa danh lịch sử, di tích, xã cũ… Việc điều chỉnh các tên gọi này nhận được sự đồng thuận rất cao.

Đơn cử như Huyện ủy Nghĩa Hành đã tổ chức phiên họp mở rộng và xin ý kiến cán bộ hưu trí, thống nhất đặt tên 4 xã mới thành lập là Nghĩa Hành, Đình Cương, Thiện Tín và Phước Giang. Trong các tên gọi mới này, huyện Nghĩa Hành chọn tên xã mới Đình Cương trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số của 3 xã Hành Đức, Hành Phước, Hành Thịnh. Ông Trần Văn Mại, 74 tuổi, cựu chiến binh xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành cho biết, Đình Cương là ngọn núi nổi tiếng tại địa phương. Ngọn núi này là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, sau đó được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1993.

Ông Trần Văn Mại cho biết, xã mới lấy tên Đình Cương, bà con rất đồng tình: “Đình Cương rất quan trọng, họ nói thanh niên Nghĩa Hành quyết tử để quyết giữ non sông. Nhiều bài thơ của dân họ sáng tác, lịch sử của núi Đình Cương rất lớn nên lấy 3 xã đây lấy tên Đình Cương rất tốt đẹp, dân họ cũng hào hứng, lấy núi Đình Cương là đúng để có di tích lịch sử sau này cho người dân”.

Tượng đài chiến thắng Mỏ Cày ở huyện Mộ Đức

Tượng đài chiến thắng Mỏ Cày ở huyện Mộ Đức

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, sáng ngày 23/4, huyện Mộ Đức cũng họp, đề xuất tên 4 xã mới sau sáp nhập để người dân góp ý. Tên của 4 xã mới là Long Phụng, Mỏ Cày, Mộ Đức, Lân Phong được thay cho các con số khô khan như đề án cũ. Trong các tên xã mới này, xã Mỏ Cày là di tích lịch sử cấp quốc gia, là địa chỉ đỏ gắn liền với những trận đánh nổi tiếng trong 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong ngày 23/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Tư Nghĩa cũng tiếp thu ý kiến cử tri, chủ động đến tận nhà lấy ý kiến người dân về tên gọi các xã mới thành lập. Lắng nghe ý kiến nhân dân, huyện Tư Nghĩa đã họp, thống nhất đổi tên các xã mới là: Tư Nghĩa, Vệ Giang, Nghĩa Giang và Trà Giang.

Tượng đài chiến thắng Mỏ Cày ở huyện Mộ Đức

Tượng đài chiến thắng Mỏ Cày ở huyện Mộ Đức

Ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, sau lần đầu lấy ý kiến, huyện nhận được nhiều ý kiến phản hồi, không đồng tình với những tên xã mới thiếu cảm xúc, không mang nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử nên huyện đã họp, lắng nghe ý kiến các bậc lão thành, trí thức... để đặt tên mới và lấy ý kiến lần 2.

“Mình phải lắng nghe, cầu thị khi người dân góp ý. Khi tập thể rà soát kỹ hơn thì chọn được cái tên gọi hợp lý hơn. Cử tri họ đề xuất là chính, họ muốn lấy địa danh theo phong tục tập quán, truyền thống văn hóa cho nên huyện mới chủ động tổ chức họp lại để tổng hợp những ý kiến của cử tri. Theo đề xuất của cử tri cũng chính đáng. Trước dự kiến Tư Nghĩa 1 thì giờ chọn là xã Trà Giang. Nghĩa Giang, tên đầu tiên của Phủ Tư Nghĩa đặt là Tư Nghĩa 2... Kết quả lấy phiếu đạt tỷ lệ cao, người dân đồng thuận tên gọi mới đặt lại sau”, ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết.

Cán bộ xã đến từng nhà xin ý kiến bà con về thay đổi tên mới, không đánh số thứ tự ở Quảng Ngãi

Cán bộ xã đến từng nhà xin ý kiến bà con về thay đổi tên mới, không đánh số thứ tự ở Quảng Ngãi

Việc lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, ban đầu có 6 huyện, thị xã, thành phố lấy tên gọi địa danh đặt tên đơn vị hành chính mới ngay từ đầu; 7 huyện ban đầu đặt tên một số đơn vị hành chính gắn số thứ tự, nhưng khi cử tri có ý kiến thì các địa phương đã thay đổi và đặt tên đơn vị hành chính mới theo địa danh.

Theo bà Bùi Thị Quỳnh Vân, qua lấy ý kiến, cử tri thống nhất cao với Đề án sắp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi: “Tôi thấy có rất nhiều cán bộ thôn rất trách nhiệm. Có những người dân đi làm đồng, anh em đem đưa cả phiếu ra ngoài đồng để dân có ý kiến. Cũng như các đồng chí lãnh đạo địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để lấy ý kiến người dân và cơ bản thì chúng ta tạo sự đồng thuận trong nhân dân rất cao đề án này. Cũng chia sẻ với người dân bước đầu khi sáp nhập đơn vị hành chính sẽ có những bất tiện. Các đồng chí thường trực thường vụ của các địa phương đơn vị cũng rất đảm bảo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để lấy ý kiến nhân dân về đề án sáp nhập xã”.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp chỉ đạo việc lấy tên xã mới

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp chỉ đạo việc lấy tên xã mới

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Quảng Ngãi còn 56 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường, 49 xã và 1 đặc khu Lý Sơn. Đến thời điểm này, sau 2 lần lấy ý kiến cử tri, tỉnh Quảng Ngãi không còn xã phường nào đặt tên theo số thứ tự mà được đặt tên theo địa danh lịch sử, di tích, Anh hùng liệt sĩ ... Các tên gọi này đã và đang nhận được sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, nhân dân.

Thành Long/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quang-ngai-dua-phieu-doi-ten-xa-moi-den-tan-nha-de-nguoi-dan-gop-y-post1194553.vov