Chuyện đặt tên... ở quê tôi!
Chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được đông đảo người dân đồng tình. Tuy nhiên khi phương án dự kiến đặt tên các đơn vị hành chính mới được thông báo rộng rãi, lấy ý kiến thì nhiều người dân quê tôi lại tâm tư lắm.

(
Minh họa:
Hà Hiếu
)
Ông giáo già ở cạnh nhà tôi năm nay cũng đã ở tuổi bát tuần. Cả cuộc đời ông gắn bó với sự nghiệp trồng người. Không chỉ hay chữ, lối sống gần gũi, thân tình và khiêm nhường khiến ông được người làng quý mến. Thường ngày vào mỗi buổi chiều ông lại sang nhà tôi chơi. Ông giáo già và ông cụ Nho là bạn vong niên với bố tôi. Trong những cuộc chuyện trò bên ấm trà chiều, chuyện làng xã xưa nay, chuyện thời sự nóng hổi, chuyện đời... vẫn thường được các bậc cao niên đem ra luận bàn.
“Mới đầu hè mà nắng đã gay gắt thế này, e rằng năm nay khéo hạn hán” - cụ Nho vừa bước vào bàn trà chiều, nơi ông giáo già và bố tôi đã pha nước chờ sẵn, cất tiếng.
“Mưa nắng thất thường, người dân vất vả. Nhưng mà nắng mưa là chuyện của trời, còn có chuyện này phải bàn nhiều, lo nhiều hơn này” - ông giáo tiếp lời cụ Nho.
Như hiểu ý ông giáo già, cụ Nho nói luôn: “Chắc ông lại đang nói đến cái việc đặt tên xã mới sắp tới chứ gì. Chẳng phải chỉ có ông lo đâu, người dân trong làng xã mình mấy hôm nay cũng xôn xao lên cả đấy... Sáp nhập xã là chủ trương đúng đắn, phù hợp cho sự phát triển của quê hương, đất nước, tầm nhìn nghe nói đến cả trăm năm. Nhưng mà, sao tôi thấy việc đặt tên nghe chừng có vẻ chưa thực... dụng tâm cho lắm”.
“Khi xưa, các cụ dù là đặt tên phủ, huyện, tổng đến xã, thôn đều lựa chọn kỹ càng, gửi gắm nhiều ý nghĩa sâu xa. Đành rằng, mỗi thời mỗi khác, việc đặt tên xã mới cần phù hợp với xu thế phát triển, nhưng mà cứ kiểu tên xã “đánh số” thế này, tôi thấy có vẻ... dễ dãi quá” - ông giáo già trầm ngâm.
“Vậy là suy nghĩ của tôi với ông giống nhau rồi đấy. Cùng với thăng trầm, biến động của lịch sử, thời gian, làng quê mình đã trải qua bao cơn “bể dâu”, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước. Ấy vậy mà bản sắc văn hóa quê hương, tên làng xã, địa danh thì cứ như đã thấm sâu vào tiềm thức mỗi người. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, ông cụ nhà tôi khi ấy cũng được xem là người có chữ trong vùng, ngoài dạy chữ, ông cụ còn diễn giải cho anh em tôi ý nghĩa của từng tên gọi, địa danh ở làng quê mình. Càng nghe càng thấy thấm, chỉ một tên gọi cũng đủ “bắc nhịp cầu” để nối với quá khứ. Chưa kể, tên gọi làng xã cũng mang theo niềm tự hào của đất và người. Nếu tên xã mới được “đánh số”, tôi thấy thực sự rất đáng tiếc. Vùng đất này có bao nhiêu dấu tích, địa danh ý nghĩa, chọn một tên gọi cho hay đâu có khó” - ông cụ Nho tiếp lời.
“Chính quyền địa phương đang triển khai việc tổ chức lấy ý kiến người dân về việc đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới. Đây là lúc mỗi người dân chúng ta phải bày tỏ ý kiến, quan điểm một cách thẳng thắn, rõ ràng, đừng để mọi chuyện quá muộn. Tôi tin, khi mỗi người dân lên tiếng vì cái chung, vì những điều tốt đẹp thì ý kiến của chúng ta sẽ được lắng nghe. Tôi thấy, ở nhiều địa phương khác, họ cũng thay đổi việc đặt tên xã mới sau khi người dân có ý kiến rồi đấy...” - ông giáo già hi vọng.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-dat-ten-o-que-toi-36863.htm