Quảng Ngãi sử dụng hiệu quả nguồn lực các Chương trình MTQG

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi giảm 5,73% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Ngày 29/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG do Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã thực hiện kiểm tra, giám sát các Chương trình MTQG tại tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2023 tổng nguồn vốn nhà nước do tỉnh quản lý bố trí thực hiện các Chương trình MTQG là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công hơn 758 tỷ, vốn sự nghiệp hơn 676 tỷ.

 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG thực hiện kiểm tra, giám sát các Chương trình tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: quangngaitv.vn

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG thực hiện kiểm tra, giám sát các Chương trình tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: quangngaitv.vn

Đến hết tháng 10/2023, Quảng Ngãi đã giải ngân đạt hơn 478 tỷ đồng, bằng 33,3% kế hoạch. Chương trình MTQG triển khai kịp thời đã góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, từng bước cải thiện hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, từ nguồn lực của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giảm tới 5,73% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Hơn 60km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân đã được nhựa hóa, bê tông hóa.

Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ 1.145 hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán; xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 3 trường bán trú và 4 trường có học sinh bán trú; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 213 hộ; 80% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế.

Toàn tỉnh đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 5.491 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đầu tư xây dựng 16 thiết chế văn hóa, thể thao thôn. Hỗ trợ 306 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở...

Tuy vậy, báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, việc triển khai các Chương trình MTQG cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp thuộc Chương trình đạt rất thấp; chưa hướng dẫn cụ thể nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn; một số nội dung của chương trình chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc chậm hướng dẫn…

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương tham mưu có cơ chế chính sách cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng một số cơ chế như tiếp tục được hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện từ 1 đến 3 năm, để người dân thực sự thoát nghèo bền vững; nâng thêm mức nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Lê Văn Thanh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Quảng Ngãi đạt được trong thực hiện các chương trình, đặc biệt là công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

 Đường giao thông về xã đặc biệt khó khăn Ba Xa (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) được đầu tư xây dựng giúp đồng bào các dân tộc giao thương, đi lại thuận lợi. Ảnh: Trần Dũng

Đường giao thông về xã đặc biệt khó khăn Ba Xa (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) được đầu tư xây dựng giúp đồng bào các dân tộc giao thương, đi lại thuận lợi. Ảnh: Trần Dũng

Thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý tỉnh Quảng Ngãi cần nỗ lực hơn về tiến độ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp, nhất là ở hai huyện nghèo. Cần rà soát lại các nội dung, dự án của các Chương trình để xác định chính xác phần việc đã hoàn thành và chưa hoàn thành. Từ đó xác định rõ những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực để thực hiện các Chương trình hiệu quả, giúp người dân cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững; đồng thời tăng cường, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các chương trình triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quang-ngai-su-dung-hieu-qua-nguon-luc-cac-chuong-trinh-mtqg-post274608.html