Quảng Ninh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong thu hút lao động
Thời gian qua, thu hút đầu tư của Quảng Ninh có nhiều khởi sắc, với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư lớn, triển vọng. Để đáp ứng được nhu cầu lao động ngày càng lớn của các doanh nghiệp tại địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tiếp tục tập trung vào công tác thu hút lao động.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với trên 500.000 lao động. Tuy nhiên, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong tỉnh Quảng Ninh vẫn còn rất lớn. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh giai đoạn từ 2024-2025, nhu cầu nhân lực của Quảng Ninh tiếp tục tăng mạnh, dự báo là trên 28.000 người, giai đoạn 2026-2030 cần tuyển thêm khoảng 76.000 lao động. Tương ứng mỗi năm tỉnh Quảng Ninh cần thêm gần 14.900 lao động.
Trong đó, dự kiến trình độ đại học trở lên là 6.200 người, cao đẳng 4.600 người, trung cấp 3.700 người, sơ cấp 3.000 người, đào tạo nghề nghiệp thường xuyên 3.900 người và lao động phổ thông 82.600 người. Một số ngành nghề chủ yếu mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, xây dựng, vận tải kho bãi, kinh tế cảng biển....
Từ đầu năm 2024 đến nay, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp (KCN) cảng biển Hải Hà đã tuyển dụng mới 1.570 người lao động, nâng tổng số công nhân lao động đang làm việc tại đây lên 13.597 người, phần lớn lao động là người Quảng Ninh. Các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục quan tâm tuyển dụng, đào tạo lao động mới, lao động thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tại doanh nghiệp phục vụ cho kế hoạch sản xuất năm 2024.
Để từng bước giải quyết vấn đề lao động trên, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành phía Bắc và đầu tư hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến hiện đại.
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp thông qua hội thảo nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc miền núi trên địa bàn, ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp...
Tại cuộc họp nghe báo cáo các giải pháp hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 diễn ra trong tháng 5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định: “Tỉnh Quảng Ninh cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để chủ động và đồng hành với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác thu hút và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là công tác tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh”.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh nghiên cứu thành lập Tổ công tác hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các KCN thường xuyên quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, tiền lương và các chế độ phúc lợi cho người lao động; thực hiện công tác tuyển dụng lao động, sử dụng lao động đảm bảo đúng các quy định hiện hành của pháp luật lao động, tăng khả năng hấp dẫn người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp với chế độ tiền lương, tiền công, các chính sách chăm lo tốt nhất cho người lao động./.