Quảng Ninh đón gần 9 triệu lượt khách nửa đầu năm
Nhiều du khách quốc tế cũng chọn Quảng Ninh là địa điểm du lịch mới để trải nghiệm.
Ngày 7/7, Sở Du lịch Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Doanh thu từ du lịch đạt hơn 16.000 tỷ
Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt khách, đạt 108% kịch bản, bằng 161% cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 16.660 tỷ đồng, đạt 100% kịch bản, bằng 156% cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khách quốc tế đạt 658.000 lượt, tăng gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường khách quốc tế hàng đầu của Quảng Ninh được xác định là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Australia, Đức, Malaysia, Canada.
Riêng tại TP Móng Cái, 6 tháng đầu năm thành phố biên giới này đón trên một triệu lượt khách, tăng 170% so với cùng kỳ (bằng 87% kế hoạch cả năm nay). Tổng thu nộp ngân sách nhà nước về dịch vụ du lịch đạt 58,066 tỷ đồng, tăng 222% so với cùng kỳ.
Theo đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, để đạt kết quả trên, Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, du lịch như tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Tuần văn hóa du lịch và xúc tiến thương mại tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc; Lễ khai mạc Tuần văn hóa du lịch Bắc Giang và Khai hội xuân Tây Yên Tử tại Bắc Giang…; tỉnh tổ chức Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh; Hội nghị tuyên truyền chuyển đổi số du lịch Quảng Ninh.
Để tăng thu hút du khách đến với Quảng Ninh, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được các địa phương đăng ký và đưa vào phục vụ du khách. Tỉnh đặt mục tiêu ra mắt 38 sản phẩm du lịch mới trong năm nay.
TP Hạ Long cho ra mắt sản phẩm “Phố đêm du thuyền”, tham quan Hồ Hải Thịnh, nghe nhạc trên vịnh Hạ Long hay tuyến phố đêm, phố đi bộ ở khu vực chùa Long Tiên.
TP Móng Cái ra mắt sản phẩm du lịch của vùng đất biên giới về ẩm thực, nông trại, cảnh quan thung lũng Tình Yêu, phiên chợ vùng cao Pò Hèn; Huyện Cô Tô cho ra mắt sản phẩm lặn biển tại Thanh Lân, cắm trại trên bãi Ba Châu, trên đảo Thanh Lân và tham quan các đảo gần bờ…
Để đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch an toàn, lành mạnh, Quảng Ninh cũng rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc công khai, niêm yết chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ theo đúng quy định; phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vị phạm.
Đẩy mạnh kết nối du lịch biên giới với Trung Quốc
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, bà Phạm Thị Oanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Móng Cái, cho biết năm nay, bên cạnh việc tăng cường quảng bá, giới thiệu thương hiệu Móng Cái là "thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn ”.
Địa phương tập trung khai thác hiệu quả 5 nhóm sản phẩm đặc thù, độc đáo, tạo cho du khách có những trải nghiệm ấn tượng như sản phẩm giao thoa ẩm thực Việt - Trung; xe du lịch tự lái; du lịch thể thao - golf; du lịch biên giới gắn với chương trình tham quan TP Móng Cái (Việt Nam) - TP Đông Hưng và Khu Phòng Thành (Trung Quốc); trải nghiệm nghỉ dưỡng tại hệ thống khách sạn cao cấp; mua sắm tại trung tâm thời trang thương hiệu cao cấp…
Ngoài ra, Thành phố tổ chức trên 30 các hoạt động, sự kiện, lễ hội thu hút du khách ngay trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
“Hiện tại thành phố có trên 200 cơ sở lưu trú, trong đó có 22 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-5 sao và các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và homestay, với gần 7.000 giường, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú cho các dòng khách du lịch khi đến với Móng Cái”, bà Oanh cho biết.
Bà Nguyễn Thu Hương, Phó chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết thành phố có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch, khi có đường cao tốc nối thẳng từ Hà Nội qua nhiều tỉnh thành ở phía bắc với thành phố cửa khẩu Móng Cái.
Để khai thác lợi thế này, thành phố xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nhấn mạnh du lịch mùa thu đông. Thành phố đang hướng tới xây dựng du lịch xanh thân thiện, an toàn và du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, phát triển bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Hiện tại, thành phố có 4 tuyến, 15 điểm du lịch được tỉnh công nhận. Các tuyến, điểm này nằm trong sự lựa chọn của nhiều du khách khi đến Quảng Ninh, Móng Cái. Là thành phố vùng biên, có nhiều mặt hàng độc và rẻ, Móng Cái đã tận dụng tối đa thế mạnh của 14 chợ, 4 trung tâm thương mại trên địa bàn để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
“Chúng tôi chú trọng công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo triển khai làm mới sản phẩm du lịch hiện có và xây dựng các sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu hiện nay, đồng thời chúng tôi quan tâm chú trọng chỉ đạo các dịch vụ du lịch mua sắm thương hiệu chất lượng cao để nhân dân, du khách khi đến Móng Cái được trải nghiệm mua sắm, quan tâm thu hút các nhà đầu tư tới xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp...”, bà Hương cho biết.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 15 triệu khách du lịch năm nay, 6 tháng cuối năm tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung triển khai theo kịch bản tăng trưởng lĩnh vực du lịch, triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới; xây dựng đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong du lịch, số hóa điểm đến, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu...