Quảng Ninh tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm
Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh Quảng Ninh có 47.360 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, lĩnh vực thuộc ngành Y tế quản lý 9.253 cơ sở; ngành Công Thương quản lý 10.072 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 28.350 cơ sở.
Tuy nhiên, số lượng thực phẩm sản xuất nội địa chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ, 60% còn lại được nhập từ các tỉnh, thành khác cũng như từ nước ngoài. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ việc thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) thẩm lậu vào nội địa thông qua nhiều con đường khác nhau, đặc biệt là qua các cửa ngõ biên giới.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý ATTP, 10 tháng năm 2024, Sở Công Thương Quảng Ninh đã ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Sở, UBND các địa phương triển khai thực hiện công tác quản lý ATTP, tập trung vào quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý, bao gồm: 6 kế hoạch, 54 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, báo cáo... Đồng thời, Sở đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quy định, chính sách của nhà nước về ATTP đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Hoài Thương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Thông qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, điển hình là các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, Sở đã tuyên truyền trực tiếp tới hơn 1.500 lượt tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng các quy định của pháp luật trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và kiến thức lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn đối với người tiêu dùng.
Theo đó, công tác truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú trên các trang thông tin điện tử của tỉnh, các địa phương như: Thực hành tốt ATTP, khả năng dự trữ hàng hóa của các hệ thống kinh doanh, phân phối thực phẩm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy - hải sản của tỉnh để người dân biết và cùng phối hợp để bình ổn thị trường, cân bằng cán cân cung - cầu hàng hóa, bảo đảm ATTP; in, phát 26 băng rôn, 26 phướn thả, 6.000 tờ rơi nội dung tuyên truyền khẩu hiệu bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán; hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, ATTP nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3, Ký cam kết doanh nghiệp vì người tiêu dùng” của đại diện một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tại sân chợ Trung tâm thành phố Móng Cái nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ATTP cho 300 đại biểu là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tổ chức chính trị, lực lượng chức năng, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố Móng Cái.
Đồng thời, Sở cũng đã tổ chức 15 hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến ATTP cho 2.270 đại biểu là cán bộ các xã, phường, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung vào tuyên truyền cho các hộ kinh doanh trong chợ về các quy định pháp luật về phát triển và quản lý chợ, các yêu cầu về chợ bảo đảm ATTP theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856:2017 về Chợ kinh doanh thực phẩm, điều kiện đảm bảo ATTP trong kinh doanh thực phẩm.
Theo bà Nguyễn Hoài Thương: Với vai trò là thành viên Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý ATTP, ngay sau khi kết thúc Đoàn giám sát, Sở Công Thương đã triển khai ngay các nhiệm vụ liên quan đến những tồn tại mà Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân đã chỉ ra.
Cụ thể, Sở đã kịp thời ban hành ngay các văn bản yêu cầu các cơ sở thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý khắc phục ngay các tồn tại mà Đoàn giám sát đã chỉ ra và đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý ATTP trên địa bàn.
Tham mưu văn bản gửi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý về ATTP tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi tập trung vào các nội dung: Rà soát toàn bộ quy trình quản lý chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm tại cơ sở kinh doanh của đơn vị bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện về An toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; quy hoạch, sắp xếp bố trí trong siêu thị phải theo nguyên tắc ngành, hàng và cách biệt giữa khu vực thực phẩm và phi thực phẩm, khu chế biến thực phẩm và khu bày bán thực phẩm, khu vực thực phẩm chín và thực phẩm sống, khu dịch vụ ăn uống và các khu vực khác; Bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP về cơ sở, thiết bị dụng cụ có liên quan đến chế biến và kinh doanh thực phẩm trong siêu thị; có đủ thiết bị bảo quản và thực hiện đúng chế độ bảo quản thực phẩm; tất cả sản phẩm thực phẩm bày bán trong siêu thị phải có nguồn gốc an toàn, có nhãn mác theo quy định…
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực Công Thương quản lý. Đơn cử như trong Tháng hành động ATTP, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 do Sở Công Thương làm trưởng đoàn đã tái kiểm tra, giám sát lại 2 cơ sở đã được Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát và chỉ ra các tồn tại đầu năm 2024; Giám sát đột xuất các cơ sở khác (đặc biệt là các cửa hàng tiện lợi, hoa quả sạch, hoa quả nhập khẩu, các điểm bán hàng OCOP...) và lồng ghép khi làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình triển khai, kết quả thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các Chợ 4.0 và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm rượu, ATTP tại các chợ, triển khai hội nghị về xây dựng mô hình chợ ATTP cho 200 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ngành, địa phương và các chợ trên địa bàn tỉnh; tổ chức 12 hội nghị tập huấn về chợ kinh doanh thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại các chợ đăng ký xây dựng chợ ATTP...
“Chúng tôi đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai mô hình chợ ATTP, đặt mục tiêu đến hết năm 2025, phải có ít nhất 13 chợ ATTP tại 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Tất cả các chợ còn lại trên địa bàn cũng phải từng bước xây dựng và áp dụng các tiêu chí của chợ ATTP, hướng tới chợ ATTP trong thời gian tiếp theo”- bà Thương chia sẻ.
Bên cạnh đó, Sở đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 và trong tháng hành động vì ATTP, hậu kiểm. Nhờ đó, hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu được giám sát chặt chẽ; có rào chắn, ngăn chặn để không xảy ra hiện tượng hàng hóa được nhập lậu qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
"Chỉ có hàng hóa được người dân giáp ranh tại Khu vực cửa khẩu Móng Cái xách tay theo định mức quy định và được kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, điểm thông quan. Các điểm bán hàng gần cổng trường học đã được các địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát, tuyên truyền thường xuyên nên. Tại thời điểm kiểm tra, các điểm bán hàng gần trường học đã có nhận thức và không bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ"- bà Thương cho hay.
Từ nay tới cuối năm, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm việc kinh doanh các loại sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cung cấp hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, giá cả bình ổn, giúp tạo dựng thói quen mua sắm cho người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm an toàn, nhất là các sản phẩm thực phẩm tươi sống; kết hợp với quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Thu Hường Ảnh: Thu Hường - Sở Công Thương (cung cấp)
Đồ họa: Hồng Thịnh
Thu Hường - Hồng Thịnh