Quảng Ninh: Tiên Yên đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Huyện Tiên Yên cần tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nội vùng, liên vùng; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động giải quyết việc làm...
Đây là một trong những nội dung Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chỉ đạo chính quyền, nhân dân huyện Tiên Yên tại buổi lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tiên Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tổ chức chiều 15/3.
Buổi lễ có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Tường Huy, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tham dự.
Huyện Tiên Yên bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, với 4 xã và 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,9%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. Song với sự vào cuộc quyết liệt, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã, tới từng thôn, bản và mỗi người dân, huyện Tiên Yên đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực, rất đáng tự hào.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt trên 16,2%/năm. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Huyện hiện không còn hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo Trung ương.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng được đầu tư, xây dựng mới đồng bộ, kết nối giữa các xã với trung tâm huyện và các đô thị của tỉnh. Hạ tầng trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ hiện đại. Diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Tiên Yên cũng là địa phương có nhiều điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời, có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu vượt so với bộ tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định của Trung ương và của tỉnh ở mức cao như các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, về thu nhập bình quân đầu người, giảm hộ nghèo…
Ghi nhận sự nỗ lực liên tục và hiệu quả suốt 14 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Yên, ngày 6/2/2024, huyện Tiên Yên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra, với 6/10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và 4/10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao…
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Yên đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua. Đề nghị chính quyền và nhân dân huyện Tiên Yên phát huy những kết quả đã đạt được và đặt ra mục tiêu phấn đấu cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Cao Tường Huy đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tiên Yên cần tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, với phương châm "Xây dựng nông thôn mới là một hành trình chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc"…
Trong đó, tập trung xây dựng huyện Tiên Yên là trung tâm văn hóa và là đô thị đầu mối giao thông của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh và vùng biên giới Việt - Trung; cửa ngõ ra biển của các tỉnh biên giới phía Bắc; là vùng phát triển công nghiệp, logistics, trọng điểm chế biến, giao dịch nông lâm sản khu vực.
Đồng thời, cần tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nội vùng, liên vùng; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động giải quyết việc làm; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở…
Cùng với đó, Tiên Yên cũng cần đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; chú trọng cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, chăn nuôi; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất; phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển…