Quảng Trị: Công nghiệp, thương mại 6 tháng đầu năm phát triển ổn định

Thông tin từ Sở Công Thương Quảng Tri trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại giữ được sự phát triển so với năm 2021.

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại giữ được sự phát triển so với năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu và tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư về lĩnh vực năng lượng, công nghiệp được triển khai đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra. Các dự án năng lượng tái tạo thuộc nhóm 30 dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ và tích cực triển khai.

Theo đó, chỉ số chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,87% so với năm 2021 (tương đương mức tăng 8,88% cùng kỳ). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ cuối năm 2021 đến nay, bên cạnh những khó khăn do giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chỉ đạt mức tăng 0,31%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 45,49% (có nhiều dự án điện gió hoàn thành đi vào vận hành thương mại); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,02%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ trở lại bình thường; nhu cầu tiêu dùng người dân tăng trở lại. Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ tiêu dùng tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, do tỉnh với quy mô dân số nhỏ, trong khi các lĩnh vực sản xuất, du lịch, logistics chưa phát triển mạnh, thu nhập bình quân đầu người thấp nên sức mua trên địa bàn không cao nên ảnh hưởng đến tốc độ phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn trong thời gian qua.

Dự án Điện gió tại tỉnh Quảng Trị

Dự án Điện gió tại tỉnh Quảng Trị

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 13.126,26 tỷ đồng, tăng 11,16% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 34,5% so với kế hoạch năm 2022 (là 38.000 tỷ đồng).

Theo Phòng Quản lý thương mại- Sở Công Thương Quảng Trị, đơn vị đã chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, nhất là đối với những hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Lễ, Tết và trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19 trên địa bàn; kịp thời tham mưu trình UBND tỉnh các Chương trình, kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu phù hợp với tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá đột biến.

Ông Lê Tiến Dũng- Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị cho hay, thời gian qua đơn vị đã tích cực phối hợp các Sở, ban, ngành của tỉnh bám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương cũng được tăng cường có hiệu quả. Các nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao đều được thực hiện tốt. Đồng thời, chủ động triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch của Bộ Công Thương công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Khu công nghiệp Quán Ngang tỉnh Quảng Trị

Khu công nghiệp Quán Ngang tỉnh Quảng Trị

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Quảng Trị, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp, thương mại trong 6 tháng năm 2022 còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, các chỉ tiêu phát triển của ngành mặc dù có mức tăng trưởng dương, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ tuy đã phục hồi nhưng vẫn còn chậm và bị gián đoạn cả phía cung và phía cầu. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp; Quy mô sản xuất và trình độ công nghệ, cơ sở hạn tầng, thiết bị vẫn còn hạn chế; Sản phẩm chế biến thô và gia công còn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, các hoạt động liên kết phát triển địa phương mặc dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế; việc hợp tác liên doanh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và trong khu vực để hình thành trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa được đồng bộ. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đối với các đề án xúc tiến thương mại về kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội chợ tại các tỉnh, nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ đề nghị điều chỉnh kinh phí để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-tri-cong-nghiep-thuong-mai-6-thang-dau-nam-phat-trien-on-dinh-182239.html