Quay về quê làm nghề biển
Cách đây hơn chục năm, nhiều ngư dân trẻ ở các làng biển xã Hải An (huyện Hải Lăng) đã giã biệt nghề biển để vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam làm đủ nghề với mong muốn cuộc sống đủ đầy, no ấm hơn. Nhưng rồi, COVID-19 bùng phát đã khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Không còn sự lựa chọn, nhiều người đã trở về quê hương để tiếp tục gắn bó đời mình với nghề cũ, với biển khơi.
Từ tờ mờ sáng, dọc bờ biển thôn Mỹ Thủy (xã Hải An, Hải Lăng), từng đợt sóng to tung bọt trắng xóa. Gió rét mùa đông kèm bụi sóng phả vào bờ lạnh buốt vẫn không cản được chuyến ra khơi của anh Lê Khắc Trường (30 tuổi). Tranh thủ chờ sóng lặng để dong thuyền ra khơi, anh Trường cho biết, khoảng năm 2006, bởi hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên anh đã vào tỉnh Đồng Nai rồi Bình Dương làm công nhân giày dép, nhôm kính.
Cứ tưởng suốt đời sẽ gắn bó với vùng đất phương Nam, nhưng rồi COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều công nhân như anh không có việc làm, thu nhập bấp bênh nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Không còn con đường nào khác, anh Trường đành quay về quê hương với ý định sẽ tiếp tục làm nghề biển để mưu sinh. Việc đầu tiên mà anh Trường làm khi về quê là vay mượn tiền của người thân để đóng mới chiếc thuyền máy có công suất gần 12 CV, mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt thủy hải sản với trị giá hơn 50 triệu đồng.
“Đến bây giờ tôi không thể nào quên được những chuyến ra khơi sau ngày trở về. Tất cả những kiến thức, kinh nghiệm đi biển tôi đều phải học lại từ đầu từ ba tôi. Ví như cách xác định hướng chảy dòng hải lưu để buông lưới; biết dùng loại lưới phù hợp để đánh bắt hiệu quả từng loại cá, tôm, mực… theo từng tháng trong năm. Và nhớ nhất vẫn là những cơn say sóng dày vò từ khi con thuyền ra đến nơi buông lưới cho đến tận khi thuyền quay trở về bờ”, anh Trường chia sẻ.
Bây giờ đang là mùa biển động (kéo dài từ khoảng tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau) để phân biệt với mùa biển lặng các tháng còn lại. Mùa biển động cũng là thời điểm cá, tôm, mực nhiều hơn các tháng biển lặng. Vì vậy, bất chấp sóng to gió lớn, nhiều ngư dân vùng biển bãi ngang trong đó có anh Trường vẫn quyết tâm đẩy thuyền ra khơi, vào lộng. Ở vùng biển bãi ngang, thuyền thường có công suất khoảng 8 - 15 CV nên chỉ có thể đánh bắt cơ động cách bờ từ 5 - 7 hải lý.
Thuyền công suất nhỏ nên chỉ đi biển 1 - 2 ngư dân, chủ yếu là người thân trong gia đình. Thấy sóng đã tương đối lặng, anh Trường nhanh chóng xếp lưới, dầu diezen, thức ăn lên thuyền. Khi đã đủ vật dụng cho chuyến đi biển, anh Trường gọi người thân dùng xe kéo để kéo chiếc thuyền máy tiến dần ra mép biển. Anh Trường nhanh chóng nhảy lên thuyền rồi hướng cho thuyền luồn lách qua từng đợt sóng ra khơi. Chiếc thuyền máy của anh Trường liên tục bị sóng hất tung lên rồi ném xuống như một trò chơi của biển cả.
Buổi chiều. Vùng biển bãi ngang thôn Mỹ Thủy rộn ràng tiếng cười nói của ngư dân đi biển trở về cũng như thương lái, người thân đón chờ ở bờ biển. Thấy thuyền anh Trường cập bờ, anh Võ Sỹ Phong (30 tuổi) nhanh chân chạy ra tận mép biển để đón. “Có gì không Trường?”, anh Phong hỏi. Anh Trường chỉ tay vào khoang thuyền, nói: “Hôm nay đánh lưới cá khoai cũng được khoảng 30 - 40 kg. Trừ các khoản chi phí cho chuyến biển, cũng có thu nhập 2- 3 triệu đồng”.
Trong lúc chờ anh Trường chuyển cá khoai từ khoang thuyền sang thùng xốp, anh Phong cho biết, năm 2010 tốt nghiệp THPT, anh vào tỉnh Đăk Lăk lập nghiệp. Nhưng rồi cuộc sống quá khó khăn, vất vả nên anh xuống Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân cơ khí cho một công ty của Nhật Bản. Khi bùng phát COVID-19 anh Phong quyết định đưa vợ con trở về quê sinh sống.
“Những ngày đầu về quê, vì không thành thạo nghề biển nên vợ chồng tôi chỉ biết phụ mẹ tôi làm nước mắm mang đi bán khắp các phiên chợ của huyện Hải Lăng, Triệu Phong để kiếm sống qua ngày. Một thời gian sau, tôi bàn với vợ dùng số tiền tích cóp được để làm vốn buôn bán thủy, hải sản. Tôi thu mua thủy, hải sản của ngư dân các xã Hải Khê, Hải An (huyện Hải Lăng), xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) sau đó đóng hàng xuất bán đi các tỉnh miền Bắc. Nghề buôn bán thủy, hải sản mang lại cuộc sống ổn định hơn cho vợ chồng tôi. Chỉ trong năm 2021, nghề buôn bán thủy, hải sản đã mang lại nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng cho gia đình tôi. Giờ thì vợ chồng tôi có thể yên tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương”, anh Phong cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải An Nguyễn Công Tuấn cho biết, hiện trên địa bàn xã Hải An có khoảng hơn 50 lao động trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của COVID-19 tiếp tục đầu tư đóng mới thuyền, mua sắm ngư lưới cụ để làm nghề biển hoặc “đi bạn” với thuyền của các ngư dân trên địa bàn xã. Chính vì vậy, xã Hải An có sự gia tăng về số lượng thuyền máy, thuyền chèo đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Năm 2021 toàn xã Hải An có 266 thuyền máy (tăng 11 thuyền máy so với năm 2020); 135 thuyền chèo (tăng 11 thuyền chèo so với năm 2020). Sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 đạt 2.511,8 tấn.
Riêng đối với lao động bị mất việc làm từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của COVID-19 trở về quê, ngoài số lượng lao động tiếp tục làm nghề biển, xã Hải An cũng đã chú trọng thực hiện tốt chính sách việc làm như liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm nắm bắt nhu cầu đào tạo, tuyển dụng lao động... để tư vấn, giới thiệu cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.