Quên tên người thân là biểu hiện của bệnh gì?
Thế giới có khoảng 75% người bị sa sút trí tuệ không được chẩn đoán và điều trị. Căn bệnh này gây mất dần trí nhớ, quên tên người thân, dễ thay đổi tâm trạng và tính cách.
Mới đây, bà N.T.A. (70 tuổi) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng gặp khó khăn khi giao tiếp, không nhớ được tên người nhà, dễ bị kích động. Qua thăm khám, bà A. được chẩn đoán mắc bệnh sa sút trí tuệ có biểu hiện rối loạn hành vi.
Bác sĩ chỉ định điều trị kết hợp giữa uống thuốc làm tăng kết nối tế bào thần kinh và tập luyện nhận thức tại nhà, sinh hoạt trị liệu nhóm định kỳ tại bệnh viện. Ngoài ra, người thân của bà A. được hướng dẫn tránh yếu tố thúc đẩy người bệnh vào cơn rối loạn như tránh thay đổi thời khóa biểu sinh hoạt, môi trường quá nóng hoặc lạnh, đông người….
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Thắng, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, sa sút trí tuệ là một quá trình bệnh lý khi người bệnh bắt đầu hay quên, tăng dần đến khi ảnh hưởng chất lượng công việc và cuộc sống nghiêm trọng. Alzheimer là bệnh thường gặp nhất trong nhóm bệnh lý sa sút trí tuệ.
Các dấu hiệu cảnh báo chứng sa sút trí tuệ gồm: Mất trí nhớ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày; Khó hoàn thành các công việc quen thuộc; Mất định hướng về thời gian và không gian; Suy giảm khả năng phán đoán; Suy giảm khả năng tư duy trừu tượng; Đặt đồ vật sai vị trí; Thay đổi tâm trạng và hành vi; Thay đổi tính cách; Trở nên thụ động.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Tống Mai Trang, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết khá khó khăn để phát hiện sớm sa sút trí tuệ. Bệnh thường diễn biến âm thầm, phải đặc biệt chú ý mới có thể nhận ra.
Vì thế, 75% trường hợp sa sút trí tuệ trên toàn cầu không được chẩn đoán, thậm chí lên đến 90% ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Ở giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ, bệnh có thể được phát hiện qua tầm soát sức khỏe định kỳ. Lúc này, các tế bào não chưa tổn thương lan rộng nên có thể tác động làm chậm diễn tiến, kéo dài thời gian sống độc lập cho người bệnh.
Nếu phát hiện sớm, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp phù hợp như dùng thuốc làm tăng kết nối tế bào thần kinh, giảm các sản phẩm thoái hóa trong não, thực hiện phương pháp tập luyện nhận thức bằng cách viết nhật ký mỗi ngày, nói chuyện thường xuyên với người thân,...
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh chi tiết về bệnh sử và cho làm bộ test thần kinh - tâm lý. Dựa trên kết quả thu được về mức độ bệnh và yếu tố khiếm khuyết về mặt nhận thức của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kết hợp tập luyện nhận thức.
Ngoài ra, người bệnh được tham gia chương trình tập luyện theo nhóm tương ứng từng mức độ nhẹ - trung bình - nặng để được gặp gỡ, sẻ chia, tránh tâm lý mặc cảm.
Tùy trường hợp, bệnh nhân ở giai đoạn đầu có thể được điều trị bằng phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ. Não bộ của người bệnh được kích thích kép với máy từ trường và các bộ bài tập nhận thức được áp dụng đi kèm trong quá trình chạy máy.